Vietstock - IMF: Trung Quốc cần phải giải quyết các vấn đề về nợ
Nền kinh tế Trung Quốc dường như vẫn hoạt động đủ tốt để Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng triển vọng tăng trưởng của nước này. Tuy nhiên, IMF cũng lên tiếng cảnh báo về núi nợ ngày càng chồng chất của nước này, CNBC cho hay.
Trong báo cáo hàng năm về Trung Quốc được công bố trong ngày thứ Ba, IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của nước này lên 6.7% trong năm 2017, cao hơn mức dự báo 6.2% trước đó. Cơ quan này cũng kỳ vọng Trung Quốc sẽ có mức tăng trưởng bình quân là 6.4% trong giai đoạn từ năm 2017-2021, cao hơn so với ước tính trước đó là 6%.
IMF cho biết: “Việc điều chỉnh triển vọng tăng trưởng cho thấy một đà tăng mạnh, một cam kết với mục tiêu tăng trưởng, và nền kinh tế toàn cầu đang trên đà hồi phục. Thế nhưng, điều này đi kèm vơi chi phí từ khoản nợ công và tư nhân đang ngày càng gia tăng, và do đó gia tăng rủi ro suy giảm trong trung hạn”.
Báo cáo của IMF cho thấy những gì Bắc Kinh cần thực hiện là tận dụng đà tăng mạnh hiện tại để thúc đẩy các cuộc cải cách cần thiết và tập trung nhiều hơn vào chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, IMF nói thêm vấn đề mà Trung Quốc cần ưu tiên là nợ. IMF dự báo nợ từ lĩnh vực phi tài chính sẽ chạm mức gần 300% GDP vào năm 2022, cao hơn nhiều so với mức 240% tại thời điểm cuối năm 2016.
IMF cảnh báo sự tăng trưởng xuất phát từ nợ chỉ là một giải pháp ngắn hạn nhưng không có tính bền vững trong dài hạn, trừ khi Trung Quốc giải quyết các vấn đề tiềm tàng về cơ cấu.
Các chuyên gia đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề này trong nhiều năm qua, cụ thể thúc dục Trung Quốc kiểm soát việc nới lỏng hạn mức tín dụng để thúc đẩy đầu tư và chi tiêu, và tìm ra sự cân bằng tốt hơn giữa hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát rủi ro tác động đến nền kinh tế.
Các ngân hàng Trung Quốc đã cung cấp các khoản vay trị giá 825.5 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 123.44 tỷ USD) trong tháng 7/2017, thấp hơn so với mức 1.54 ngàn tỷ NDT trong tháng 6. Tổng nguồn tài trợ xã hội hiện tại – một thước đo bao quát về tín dụng và thanh khoản – ở mức 1.22 ngàn tỷ NDT trong tháng trước, thấp hơn nhiều so với mức 1.78 ngàn tỷ NDT hồi tháng 6/2017.
Julian Evans-Pritchard, Chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, cho hay một phần nguyên nhân gây ra sự suy giảm trên là tính mùa vụ, và điều này cũng đánh dấu một xu hướng đi lên của tăng trưởng tín dụng cơ bản. Một cách tốt hơn để xem xét khả năng tạo tín dụng là đo lường sự tăng trưởng của các khoản cho vay hiện tại của ngân hàng và tổng nguồn tài trợ xã hội. Được biết, trong tháng 7 vừa qua, cả 2 khoản này đều tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đối phó với nợ, IMF cho biết Trung Quốc cần phải giải quyết vấn tình trạng dư thừa sản xuất (overcapacity), và gia tăng năng suất lao động trong những lĩnh vực kém hiệu quả, bao gồm những công ty Nhà nước