Vietstock - Thỏa thuận Brexit lại bị bác bỏ, điều gì sẽ xảy ra kế tiếp?
Quá trình Brexit có thể bị thay đổi và đảo lộn trong tuần này, sau khi Thủ tướng Anh hứng chịu thất bại nặng nề trong cuộc bỏ phiếu lần hai về thỏa thuận Brexit.
Thỏa thuận Brexit của bà May bị bác bỏ với cách biệt tới 149 phiếu, sau khi 242 thành viên bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận và có tới 319 thành viên phản đối thỏa thuận. Dù có lẽ thất bại này không nặng nề như lần trước (hồi tháng 1/2019), nhưng cách biệt vẫn còn quá lớn.
Thủ tướng Anh Theresa May
|
Con đường phía trước vẫn cực kỳ bất ổn nhưng bà May đã hứa tổ chức thêm hai cuộc bỏ phiếu cho Quốc hội Anh. Trong ngày thứ Tư (13/03) và thứ Năm (14/03), nhà làm luật Anh sẽ phải bỏ phiếu về việc Anh có nên rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận hay nên yêu cầu lùi hạn chót Brexit – vốn được ấn định trước đó vào ngày 29/03/2019.
Thỏa thuận Brexit cứng
Cuộc bỏ phiếu đầu tiên về kịch bản không có thỏa thuận – trong đó Anh rời khỏi EU và phải phụ thuộc vào các quy định thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) – có khả năng bị phản đối kịch liệt bởi các chính trị gia. Tuy vậy, vẫn còn chưa rõ và vẫn còn khả năng Anh rời khỏi EU không có thỏa thuận, ngay cả khi họ bỏ phiếu chống lại kịch bản này.
Bà May cho biết sau thất bại hôm thứ Ba (12/03), kịch bản “không có thỏa thuận” vẫn là kịch bản mặc định, trừ khi Quốc hội Anh thông qua một thỏa thuận Brexit. Trong khi đó, phát ngôn viên của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết, lần bác bỏ phiếu hai đã làm gia tăng đáng kể rủi ro xảy ra kịch bản “ly dị” mà không có thỏa thuận, theo nguồn tin từ Reuters.
“Chúng tôi nuối tiếc về kết quả của cuộc bỏ phiếu tối nay (12/03)”, vị phát ngôn viên này cho biết. “Về phía EU, chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để tiến tới một thỏa thuận. Nếu Anh yêu cầu gia hạn, EU sẽ cân nhắc và quyết định bằng sự nhất trí”, ông nói thêm.
Cuộc bỏ phiếu ngày thứ Tư (13/03) sẽ diễn ra vào lúc 19h (giờ Luân Đôn).
Bỏ phiếu lùi hạn chót Brexit
Nếu họ phản đối kịch bản rời EU mà không có thỏa thuận thì các nhà làm luật sẽ phải bỏ phiếu vào đêm ngày thứ Năm (14/03) về chuyện họ có muốn gia hạn Điều 50 – vốn là quy trình kiểm soát việc Anh rời khỏi EU kéo dài 2 năm.
Khi chỉ còn 17 ngày là tới hạn chót Brexit, có khả năng các nhà hoạch định chính sách có thể lùi hạn chót này, mặc dù những Thành viên Quốc hội Anh (MP) ủng hộ Brexit lo ngại rằng điều này có thể dẫn tới một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit, tức có khả năng sẽ chẳng hề xảy ra Brexit.
Việc gia hạn Điều 50 cũng để ngỏ khả năng tổ chức cuộc tổng tuyển cử khác ở Anh nếu bà May trở nên mệt mỏi vì bế tắc chính trị ở Westminster.
“Lựa chọn không ai muốn”
Thủ tướng Anh đã gửi lời cảnh báo tới các nhà làm luật trong đêm ngày thứ Ba (12/03) rằng việc bỏ phiếu chống lại kịch bản Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận và ủng hộ gia hạn Điều 50 cũng không thể giải quyết về Brexit.
“EU sẽ muốn biết chúng ta gia hạn để làm gì”, bà May thẳng thừng nói với các nhà làm luật. “Hạ viện Anh sẽ phải có câu trả lời cho câu hỏi đó. Liệu Hạ viện có muốn hủy bỏ Điều 50? Liệu họ có muốn tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần 2? Hoặc liệu họ có muốn rời khỏi EU với một thỏa thuận nhưng không phải là thỏa thuận này?”.
“Đây là những lựa chọn không ai muốn, nhưng vì quyết định của Hạ viện vào đêm hôm nay, giờ họ phải đối mặt với chúng”, bà nhận định.
Cuộc bỏ phiếu đột xuất?
Khi chỉ còn hơn 2 tuần nữa là tới hạn chót Brexit, nhà đầu tư và công chúng vẫn chưa rõ Brexit sẽ trông như thế nào. Một nhóm nghiên cứu tại Citigroup cho biết thất bại của bà May đã làm giảm khả năng Brexit diễn ra một cách trật tự dưới sự kiểm soát của bà May.
“Việc gia hạn Điều 50 giờ gần như chắc chắn xảy ra, nhưng quan trọng là Quốc hội Anh (và cả EU) sẽ muốn biết mục đích của chuyện này. Đàm phán thương mại thêm với EU khó mà mang lại bước đột phá, vì vậy một cuộc bỏ phiếu đột xuất và trì hoãn Brexit có khả năng xảy ra nhiều hơn”, các chuyên viên phân tích này cho biết.
Vũ Hạo (Theo CNBC)