Vietstock - Đề xuất bỏ loại hình hộ kinh doanh cá thể
Với 5 triệu hộ, đối tượng kinh doanh cá thể đang đông đảo và tạo ra nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế cho Việt Nam.
Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp diễn ra ngày 20/2, ông Lê Xuân Hiền - Hội Các nhà doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương đề xuất xóa bỏ hộ kinh doanh, tất cả đều đăng ký là doanh nghiệp và chịu điều chỉnh theo luật này.
Luật sư Lê Văn Hà - Công ty Luật Pathlaw cho rằng, quan niệm doanh nghiệp không bao gồm hộ gia đình, cá nhân có đăng ký kinh doanh là sai bởi theo ông, cần phải hiểu bất kỳ ai lấy kinh doanh làm nghề nghiệp chính cũng là doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông Hà phân tích, xét từ góc độ chính sách, hiện nay không có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, theo ông, đây là đối tượng đông đảo nhất về số lượng (gần 5 triệu hộ), là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế (gần 10 triệu việc làm).
Tiểu thương kinh doanh tại chợ ở Huế. Ảnh: Võ Thạnh
|
Theo ông Hà, sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp hộ gia đình, doanh nghiệp một chủ là thực tế khách quan. Ngay cả các nước phát triển, trong đó có Mỹ cũng vẫn duy trì loại hình doanh nghiệp "sở hữu duy nhất" với rất nhiều ưu đãi và hỗ trợ. Tuy nhiên, ông Hà cho rằng hệ thống luật pháp Việt Nam gần như gạt ra ngoài việc công nhận và bảo đảm địa vị pháp lý, các quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng gạt đối tượng này ra khỏi các chính sách hỗ trợ.
Trong khi đó, theo chuyên gia này, hộ gia đình đăng ký kinh doanh là đối tượng dễ chịu tác động nhất từ các cam kết về mở cửa thị trường theo WTO, FTA và CPTPP, đặc biệt là các hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối - bán lẻ, dịch vụ... Với những lý lẽ đó, ông Hà kiến nghị mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp bao gồm cả hộ gia đình và cá nhân có đăng ký kinh doanh. Theo đó, cần bổ sung một chương trong luật quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ đăng ký kinh doanh, hoặc phải có một văn bản luật riêng quy định cho đối tượng này.
Ông Hà cũng cho rằng cần bỏ quy định có tính chất cưỡng ép và thiếu thực tiễn khi bắt buộc chuyển đổi hộ gia đình đăng ký kinh doanh thành doanh nghiệp tại Điều 212 trong bộ luật hiện hành.
Tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra một số điểm hạn chế của hai đạo luật này. Theo ông, hiện Việt Nam có đến gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Các hộ kinh doanh cá thể có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Dù chiếm đến hơn 30% GDP, khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, có sự chưa bình đẳng so với các doanh nghiệp hoạt động chính thức.
Ông cũng nói đã đến lúc cần hỏi tại sao những hộ kinh doanh sử dụng hàng chục, hàng trăm lao động... nhưng không được xem là doanh nghiệp? Tại sao không thúc đẩy họ áp dụng những tiêu chuẩn quản trị tốt để dần lớn lên thành những doanh nghiệp đủ lớn?
"Nhiều chính sách hiện tại khiến cho các hộ kinh doanh cá thể ngần ngại chuyển đổi lên thành doanh nghiệp, mặc dù luật đã có những quy định về việc chuyển đổi này. Tất nhiên, liên quan đến chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể có nhiều văn bản khác về thuế, kế toán, đất đai, lao động... nhưng Luật Doanh nghiệp cần tính đến giải pháp thúc đẩy sự chuyển đổi của hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp chính thức", ông Lộc nói.
Theo ông, đã tới lúc các hộ kinh doanh, khu vực chiếm đến hơn 30% GDP, cần một khung khổ pháp lý riêng, thậm chí một chương riêng trong Luật Doanh nghiệp, chứ không chỉ phải vài điều khoản trong Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp như hiện nay.
Nguyễn Hà