Vietstock - Kinh tế ngầm sẽ được tính vào GDP từ năm 2020
Tổng cục Thống kê sẽ là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm chính nghiên cứu phương pháp đo lường và xây dựng danh mục các hoạt động kinh tế chưa được quan sát.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện phạm vi, quy mô nền kinh tế.
Theo nội dung đề án này, 5 nhóm hoạt động khu vực kinh tế chưa quan sát, gồm kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp, kinh tế phi chính thức chưa được quan sát, kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong chương trình thu thập dữ liệu thống kê.
Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) sẽ là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm nghiên cứu cơ sở lý luận đo lường và xây dựng danh mục các hoạt động kinh tế chưa được quan sát và lựa chọn phương pháp đo lường, đảm bảo không bỏ sót, tính trùng. Cơ quan này cũng chịu trách nhiệm đo lường thử nghiệm từ năm nay (2019), và chính thức từ 2020. Hàng năm các số liệu trên sẽ được cập nhật vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP) và các chỉ tiêu kinh tế xã hội khác. Số liệu ước tính, sơ bộ, chính thức... sẽ lần lượt được công bố vào quý I, II, 6 tháng, quý III, 9 tháng và cả năm theo Luật thống kê.
Cơ quan thống kê sẽ sử dụng phương pháp thống kê trực tiếp, gián tiếp hoặc ước lượng bằng phương pháp lập mô hình kinh tế vĩ mô... để đo lường các hoạt động kinh tế khu vực chưa được quan sát.
Ngoài trách nhiệm chính thuộc về Tổng cục Thống kê, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành khác có trách nhiệm xác định phạm vi, quy mô các hoạt động kinh tế chưa quan sát và cập nhật danh mục các hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý trực tiếp, gửi Tổng cục Thống kê tổng hợp. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư bố trí kinh phí từ nguồn vốn ngân sách với các hoạt động triển khai thực hiện đề án này.
Liên quan tới thống kê kinh tế chưa được quan sát vào GDP, tại cuộc gặp Trưởng Đại diện thường trú của Văn phòng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam Jonathan Dunn ngày 14/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị IMF giúp Việt Nam tính toán khu vực kinh tế này "một cách khách quan, chặt chẽ, trung thực và khoa học".
Ông Jonathan Dunn tin rằng, IMF sẽ giúp Việt Nam đo lường tốt hơn sản lượng quốc gia, bởi ngay cả số liệu thống kê khu vực kinh tế chính thức trong GDP của Việt Nam cũng chưa được phản ánh một cách đầy đủ khi GDP của Việt Nam có các trọng số, quyền số mà 10 năm mới cập nhật một lần, lần gần đây nhất là vào năm 2012. Trong khi đó, cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam có sự thay đổi lớn thời gian qua. Vì vậy, ông tin rằng, khi cập nhật lại quyền số tính GDP thì GDP danh nghĩa của Việt Nam sẽ thay đổi đáng kể.
Anh Minh