Vietstock - Cơ hội kiếm tiền của rau quả tinh chế
Chiếm diện tích nhỏ nhưng mang lại giá trị kinh tế lớn, tinh chế rau củ quả đang là đích nhắm đến của rất nhiều doanh nghiệp.
Trang trại của Lavifood.
|
Mới đây, nhà máy Tanifood trị giá 1.800 tỉ đồng chế biến rau củ quả ở Tây Ninh đã đi vào hoạt động. Đây là nhà máy thứ 2 của Công ty Lavifood, có công suất 60.000 tấn/năm với nhiều dòng sản phẩm gồm trái cây tươi, đông lạnh, sấy, cô đặc và nước ép đóng chai để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đầu tư vào chế biến
Có thêm nhiều nhà máy tinh chế rau củ quả đã ra đời trong năm 2018. Chẳng hạn như Trung tâm Chế biến rau quả Doveco ở Tây Nguyên, thuộc Công ty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Dao. Sản phẩm là nước quả cô đặc, rau quả đông lạnh và đồ hộp. Tương tự là tổ hợp sản xuất và chế biến hoa quả xuất khẩu tại Long An của Nafoods với vốn đầu tư 410 tỉ đồng, hay nhà máy chế biến trái cây đông lạnh và rau củ quả tại Bến Tre của Thuận Phong.
Vinamit cũng dự kiến đầu tư 20 triệu USD nhà máy công nghệ cao ở Bình Dương trong năm nay. Không chỉ toan tính tăng sản lượng nông sản chế biến sâu, năm ngoái còn ghi dấu ấn với sự “trở lại” của ông chủ thương hiệu mít sấy đình đám này, sau 5 năm “đóng cửa” để nghiên cứu sản phẩm.
Theo đó, ông chủ Nguyễn Lâm Viên mở thêm các showroom giới thiệu sản phẩm mới, với công nghệ sấy thăng hoa như nước mía, hay cà phê. Những loại trái cây bình thường cũng có thể sấy khô để tiện dụng hơn mà vẫn giữ nguyên hàm lượng dinh dưỡng và tươi như ban đầu.
“Các sản phẩm này hiện không đủ hàng để bán”, ông Viên, Vinamit, chia sẻ trong cuộc gặp gỡ với báo giới. Cùng với nhiều sản phẩm mới mẻ khác, ông chủ hãng mít sấy tin rằng, bây giờ là thời điểm mà ông có thể mang cả “vườn trái cây tươi vào gian bếp” từ năm 2019.
Động lực để các ông chủ Việt mạnh dạn đầu tư chế biến sâu là nhờ nhu cầu rau củ quả trên thế giới và ở Việt Nam đều tăng mạnh. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả tiếp tục đạt kỷ lục 3,8 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm gần đây lên đến 15%/năm.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường, rau củ quả mang lại giá trị kinh tế lớn, vì chiếm diện tích ít hơn một số loại cây trồng khác, trong khi kim ngạch xuất khẩu lại lớn hơn. Tuy nhiên, số doanh nghiệp và nhà máy tham gia vào công đoạn chế biến lại thấp hơn nhiều.
Hiện có khoảng 156 nhà máy, chỉ chiếm 2%. Riêng tại đồng bằng Sông Cửu Long, vựa rau quả của cả nước, chỉ có khoảng 5-6 cơ sở. Theo đánh giá của ông Cường, Tanifood là nhà máy có quy mô lớn nhất ở khu vực phía Nam hiện nay, ghi nhận một bước tiến mới trong tổ chức chuỗi giá trị ngành hàng và tái cấu trúc nông nghiệp Việt.
Đi từ thị trường
Đa phần các nhà máy hiện nay đều đi theo mô hình khép kín, liên kết với nông dân, bao tiêu nguyên liệu và sau đó tinh chế. Sản phẩm đa phần xuất khẩu vì mang lại lợi nhuận tốt, nhưng cũng một phần để phục vụ thị trường trong nước.
Mô hình nhà máy kết hợp bao tiêu với người dân là không mới. Tuy nhiên, nhiều năm qua tình trạng được giá mất mùa, được mùa mất giá vẫn phổ biến, cuối cùng nông dân vẫn chịu thiệt thòi, doanh nghiệp thì không có nguyên liệu để chế biến.
Mặc dù có chính sách ưu đãi đầu tư nhưng suốt thời gian dài, chỉ có 1% số doanh nghiệp là hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, số vốn chiếm 3% tổng vốn đầu tư. Con số này cho thấy lĩnh vực nông nghiệp đang là “cục xương” khó nuốt trôi.
Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, các tập đoàn đều nhảy vào nông nghiệp, hình thành nên các vùng trồng có quy mô lớn và đầu tư vào các nhà máy chế biến công nghệ cao với quy trình khép kín như HAGL, Thaco, Thành Thành Công hay Vingroup.
Có thể thấy dòng vốn ngày nay đổ nhiều hơn vào nông nghiệp là để mở rộng hạn điền, tăng tính kinh tế theo quy mô và đồng nhất chất lượng sản phẩm, đồng thời bao tiêu sản phẩm để giúp xóa bỏ tình trạng canh tác manh mún hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông chủ Lavifood, phải có thị trường rồi mới có vùng trồng. “Chúng tôi sẽ ra tìm khách hàng quốc tế. Sau khi có đơn hàng, chúng tôi sẽ phân nhiệm vụ cụ thể cho từng nhà máy, rồi các nhà máy dựa trên đơn hàng mình được giao, đề nghị bà con gieo trồng các chủng loại rau củ quả với diện tích và số lượng phù hợp, cuối cùng chúng tôi sẽ cùng nông dân kiểm soát vùng trồng”, ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch Lavifood, mô tả.
Ở đây, một câu hỏi được đặt ra: Liệu Lavifood có đủ nguyên liệu để sản xuất vì phụ thuộc đầu ra? Theo ông Thắng, Việt Nam hiện có khoảng 1,6 triệu ha đất trồng rau củ quả. Các nhà máy chế biến hiện tại mới chỉ tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn/năm, trong khi sản lượng hằng năm lên đến 27 triệu tấn. Tất nhiên, nông sản phải đạt chuẩn để được thu mua, ban đầu sẽ là VietGap rồi nâng dần lên, đại diện Công ty cho biết.
Ông chủ Vinamit thì lại thử sức ở vùng trồng với quy mô nhỏ sau những thất bại khi thử nghiệm trồng quy mô lớn. Nguyên nhân là Vinamit đi theo hướng sản xuất sản phẩm organic. Theo đó, Vinamit sẽ dựa vào đầu vào để tính đầu ra. Ông chủ Vinamit cũng không vội đưa sản phẩm ra thị trường. Mặc dù có quy mô nhỏ, nhưng Vinamit lại đưa ra được những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường, đó là xu hướng tiêu dùng nông phẩm hữu cơ và có lợi cho sức khỏe.
Việt Dũng