Vietstock - Nỗi lo nhôm giá rẻ Trung Quốc
Các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước và nhôm nhập khẩu cao cấp đang phải “gồng mình” với hàng giá rẻ tràn vào Việt Nam.
Chỉ vào khu đất trống cạnh nhà máy đặt tại khu công nghiệp Từ Liêm (Hà Nội), ông Nguyễn Hồng Linh - chủ một doanh nghiệp sản xuất nhôm giọng trầm buồn khi nhắc tới kế hoạch mở rộng sản xuất. Thị trường ảm đạm cộng với sự cạnh tranh từ nhôm giá rẻ Trung Quốc tràn sang đã khiến chủ doanh nghiệp này chưa thể thực hiện được kế hoạch, dù vốn luôn sẵn sàng.
"Từ đầu năm đến nay công ty tôi cùng nhiều doanh nghiệp khác trong ngành đều phải cắt giảm sản lượng", ông Linh nói.
Thực tế ông chủ doanh nghiệp này gặp phải cũng là tình cảnh chung của nhiều đơn vị khác trong ngành, khi hầu hết đều phải giảm sản lượng sản xuất, thậm chí có doanh nghiệp chỉ chạy máy 30-40% công suất thiết kế. Nghịch lý theo ông Vũ Văn Phụ - Chủ tịch HĐQT Công ty Nhôm Việt Pháp là do trong khi sản phẩm nhôm trong nước phải chịu kiểm định nguồn gốc, chất lượng, quy trình sản xuất và kiểm tra xuất xưởng, thì sản phẩm nhôm Trung Quốc gần như không phải chịu bất cứ kiểm định nào.
Ngoài giá, điểm bất lợi nữa khiến sản phẩm nhôm trong nước khó lòng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại, là việc tăng tỷ lệ hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào cho hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 9, từ 9% lên 13%. "Với lợi thế hoàn thuế cao các nhà sản xuất trong nước không thể bán với mức giá đủ để bù được phần chi phí sản xuất", ông Phụ nêu.
Nhôm giá rẻ Trung Quốc được nhập về Việt Nam.
|
Theo các chuyên gia, cơn bão nhập khẩu giá rẻ hàng Trung Quốc vào thị trường Việt Nam không chỉ dừng lại với thép, mà còn nhiều mặt hàng công nghiệp khác, như than đá và nhôm. Việc dư thừa sản xuất trong nước đã khiến nước này đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lân cận, trong đó có Việt Nam. Ước tính của Hiệp hội nhôm thế giới, Trung Quốc đang cung cấp hơn một nửa nguồn cung nhôm toàn cầu.
Chất lượng thấp, giá thành của nhôm (trong đó có nhôm định hình) nhập Trung Quốc lại rất rẻ đã khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn. Thực tế này khiến doanh nghiệp lo ngại hàng kém chất lượng tuồn vào Việt Nam sẽ khiến nhà sản xuất trong nước đối mặt với nguy cơ hạn chế kinh doanh hoặc dừng hoạt động.
Trong diễn biến liên quan tới mặt hàng này, đầu tháng 12/2018, Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ (ITC) đã ra phán quyết cuối cùng về việc áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm nhôm nhập từ Trung Quốc, 96,3% đến 176,2% trong 5 năm. Phán quyết của ITC đưa ra sau cuộc điều tra từ cáo buộc của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) trước đó, cho rằng các nhà sản xuất nước này đang chịu tổn thất vì sản phẩm nhôm từ Trung Quốc bán phá giá trên thị trường Mỹ.
Thực tế, Mỹ rất đau đầu với việc thép và nhôm giá rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường trong nước và chính quyền nước này đã có những biện pháp ngăn chặn. Riêng với thị trường Mỹ, nhập khẩu kim loại này đã tăng gần 750% trong thập kỷ qua, và hơn 90% giai đoạn 2014 – 2017. Việc này đã giúp hàng Trung Quốc chiếm thị phần đáng kể từ tay các công ty Mỹ.
Đây không phải lần đầu tiên nhôm Trung Quốc bị Mỹ áp dụng các biện pháp tự vệ. Hồi đầu năm Mỹ cũng đã tăng thuế nhập khẩu với mặt hàng này từ Trung Quốc lên 10% nhằm chặn hàng giá rẻ, cạnh tranh không công bằng từ Trung Quốc tràn vào.
Tuy nhiên, việc Mỹ ra phán quyết về đánh thuế với sản phẩm nhôm nhập từ Trung Quốc, cộng với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết, lại dấy lên lo lắng mặt hàng này sẽ tràn sang Việt Nam để "rửa" nguồn gốc xuất xứ, rồi xuất trở lại Mỹ. Nỗi lo hoàn toàn có cơ sở khi lượng nhập mặt hàng này không ngừng tăng về Việt Nam thời gian qua. Ước tính, thị phần nhôm Trung Quốc nhập vào Việt Nam tăng gấp 3 trong hai năm qua, khoảng 30%, trong khi đó, các nguồn cung được đánh giá cao về chất lượng nhôm định hình như Đức, Đài Loan... chỉ chiếm 2% thị phần. Chưa kể, lượng nhôm nhập "tiểu ngạch" theo tính toán chiếm hơn 10% mỗi năm đã ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
"Nếu Mỹ áp thêm thuế lên các mặt hàng của Trung Quốc sau thời gian tạm ngưng 90 ngày và hai bên không đạt được đàm phán, thì tình hình sẽ không biết thế nào. Kịch bản nước này mượn thị trường Việt Nam để né thuế hoàn toàn có thể xảy ra", ông Linh lo lắng.
Năm ngoái, nhôm Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam đã buộc ngành hải quan phải có văn bản yêu cầu "siết" nhập khẩu mặt hàng này, đồng thời kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong khai báo mã hàng nhằm trốn thuế, gian lận thương mại.
Trước sức ép nhôm nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam, gây thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan này đã tập hợp đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm nhôm thanh định hình xuất xứ Trung Quốc. Hiện việc thu thập thêm chứng cứ đang được cơ quan quản lý tiến hành. Quyết định điều tra hay không sẽ do Bộ trưởng Công Thương quyết định trong vòng 45 ngày từ thời điểm đủ hồ sơ.
Trước lo lắng Việt Nam có thể trở thành "bãi đáp" hàng giá rẻ, phế liệu thải loại từ nước láng giềng để né thuế, ông Nguyễn Trung Tiến – Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại, dịch vụ (Tổng cục Thống kê) trấn an, hiện tượng này sẽ được ngăn chặn kịp thời cùng sự vào cuộc của các cơ quan quản lý. Thế nhưng, đại diện Hiệp hội nhôm Việt Nam thì cho rằng, nếu không giảm nhập khẩu, siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát, chống bán phá giá với nhôm định hình từ Trung Quốc, đẩy mạnh phân phối nhôm trong nước, đồng thời các doanh nghiệp trong nước cũng cần cải tiến công nghệ, tối ưu hóa sản xuất để hạ giá thành, thúc đẩy sức mua, thì nguy cơ thua ngay trên sân nhà là điều khó tránh khỏi.
"Trước mắt các doanh nghiệp vẫn sẽ phải cắt giảm sản xuất, và tình trạng khó khăn không biết kéo dài đến bao giờ, nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ từ cơ chế quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Công thương", Giám đốc một đơn vị sản xuất nhôm tại Khu công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên) nói.
Anh Minh