Vietstock - 10 năm sau vụ lừa đảo Madoff chấn động nhất thế giới, các nạn nhân đã lấy lại được những gì?
10 năm sau khi Bernard Madoff bị bắt giữ vì vận hành âm mưu lừa đảo Ponzi lớn nhất trên thế giới, hành trình đầy gian truân để khôi phục lại hàng chục tỷ USD bị mất của nhà đầu tư đã khiến nhiều chuyên gia và các nạn nhân bàng hoàng sửng sốt.
Mặc dù chẳng ai thu được phần lợi nhuận “ảo” mà ông Madoff vờ kiếm được, nhưng lượng tiền mặt gửi vào quỹ của Madoff từ các khách hàng mới là mục tiêu chính đối với Irving Picard – một luật sư New York giám sát vụ thanh lý công ty của Madoff tại tòa án phá sản. Cho tới nay, ông ấy đã khôi phục lại được 13.3 tỷ USD – khoảng 70% số lượng yêu cầu khôi phục – bằng cách kiện những người hưởng lợi từ âm mưu lừa đảo trên, cho dù có cố ý hay không. Và Picard vẫn còn phải thu hồi hơn hàng tỷ USD.
“Thu hồi như thế này thì thật phi thường và hơi hiếm thấy”, Kathy Bazoian Phelps, Luật sư phá sản tại Diamond McCarthy LLP ở Los Angeles và là người không tham gia vào vụ này, cho hay. Lượng tiền thu hồi từ các kế hoạch Ponzi nằm trong khoảng 5-30% và nhiều nạn nhân thậm chí còn chẳng nhận được gì, Phelps cho hay.
Vụ lừa đảo của ông Madoff đã “cuốn sạch” 19 tỷ USD mà những nhà đầu tư giàu có, tổ chức từ thiện và người nổi tiếng đã tin tưởng gửi gắm cho ông từ thập niên 70. Trong nhiều năm qua, ông sử dụng các tài khoản khách hàng bằng các giao dịch giả mạo và tạo lợi nhuận giả là 45 tỷ USD, cho đến khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 làm phanh phui vụ lừa đảo trên và dẫn tới sự sụp đổ của công ty tư vấn đầu tư của Madoff.
Khi ông Madoff bị bắt giữ vì những cáo buộc gian lận vào ngày 11/12/2008, sự sụp đổ của công ty ông tác động tới khoảng 4,800 tài khoản khách hàng và châm ngòi cho cuộc chiến pháp lý dài dằng dẳng về vụ lừa đảo trên. Ông Madoff nhận tội và chịu án tù 150 năm, trong khi 5 trợ lý hàng đầu của ông cũng bị kết án. Những người con trai của ông – cũng làm việc cho Madoff – đã chết – một người tự vẫn và người còn lại mất vì ung thư. Vợ của ông Madoff – bà Ruth – đang sống trong một ngôi nhà thuê ở Connecticut. Chính quyền cho bà giữ lại 2.5 triệu USD sau vụ luận tội ông Madoff.
“Đây là vụ lừa đảo lớn nhất, hoạt động trong thời gian dài nhất, và cũng là một trong những vụ lừa đảo phức tạp nhất mọi thời đại, vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên khi mất thời gian rất dài để giải quyết”, Matthew L. Schwartz, cựu công tố viên liên bang – người tham gia vào vụ án hình sự lớn xuất phát từ gian lận của ông Madoff, cho hay. Picard – được bổ nhiệm là người được ủy quyền phụ trách vụ của ông Madoff – “đã thực sự hoàn trả số tiền thu hồi được cho các nạn nhân”, Schwartz cho biết.
Sau những rối loạn ban đầu từ vụ bắt giữ ông Madoff, Picard đã tập trung vào một chiến lược đơn giản để thu hồi lại lượng vốn cho các nạn nhân: Kiện những khách hàng – những người rút tiền nhiều hơn lượng vốn mà họ bỏ vào. Chiến lược này gây ra tranh cãi nhưng lại được tòa án chấp thuận.
Ủy viên này cho biết, sở dĩ ông thành công là nhờ 10 năm nỗ lực kiểm tra sổ sách kế toán để phát hiện ra những hành vi gian lận (forensic accounting) tại một tòa nhà chọc trời khu Manhattan, nơi đặt văn phòng của ông Madoff.
Ông Picard chấp nhận các yêu cầu bồi thường lên tới 19 tỷ USD – vừa mới tăng lên trong thời gian gần đây từ mức 17.5 tỷ USD sau nhiều cuộc thương lượng. Cho tới nay, ông đã hoàn trả 11.3 tỷ USD trong tổng số 13.3 tỷ USD mà ông thu hồi được, trong đó phần còn lại được giữ lại chờ kết quả tranh chấp pháp lý và kháng cáo. Vị ủy viên này được yêu cầu dự trữ khoảng 200 triệu USD. Toàn bộ lượng tiền rồi sẽ hoàn trả lại cho nạn nhân.
Định kỳ ông Picard phân bổ lượng tiền mà ông thu hồi được theo tỷ lệ, thường là khoảng vài trăm triệu USD. Theo quy trình của ông, nạn nhân đòi số tiền bồi thường thấp hơn được hoàn trả nhanh hơn những người đòi số tiền bồi thường lớn hơn. Tại thời điểm này, gần 1,400 nạn nhân đòi bồi thường thấp hơn 1,38 triệu USD đã được hoàn trả hoàn toàn.
Không phải ai cũng sẵn lòng nhượng bộ. Picard đã gửi hàng trăm đơn kiện để đòi lại lợi nhuận giả mạo từ các khách hàng, bao gồm các cá nhân, gia đình... Ông Picard cũng bám sát theo các “quỹ trung chuyển” (feeder fund) nước ngoài huy động vốn từ các khách hàng của chính họ và chuyển vốn sang ông Madoff để khai thác tỷ suất lợi nhuận nhất quán một cách bất thường của ông.
Chỉ mới tháng trước, các luật sư của Picard đã yêu cầu các tòa kháng cáo ở Mỹ hồi sinh khoảng 80 vụ kiện như thế, trong đó ông muốn thu hồi lại 4 tỷ USD – có lẽ là khoản tiền lớn còn lại trong vụ gian lận này. Một tòa án cấp thấp hơn đã bác bỏ các vụ kiện này từ 2 năm về trước, cho rằng lượng tiền này vượt quá thẩm quyền của ông Picard vì nó đã được chuyển từ các quỹ trung chuyển sang các ngân hàng nước ngoài trước khi ông Madoff bị bắt.
“Đây là mảnh ghép bị thiếu lớn nhất của câu đố này”, Stephen Harbeck, Giám đốc điều hành của Công ty Bảo vệ Nhà đầu tư (Securities Investor Protection Corp. - SIPC) – tổ chức đã tuyển dụng ông Picard và giám sát vụ thanh lý này, cho hay. Cũng như Picard, Harbeck đã tham gia vào vụ án này kể từ thời điểm bắt đầu.
Để đáp trả công sức thu hồi vốn, công ty của ông Picard và bên thứ ba mà họ thuê được SIPC trả 1.67 tỷ USD trong 10 năm qua, không phải lấy từ lượng tiền thu hồi được.
Nếu Picard thắng đơn kháng cáo và thành công trong mọi vụ kiện trên – một kết quả mà ông cho là “đầy tham vọng”, thì ông sẽ thu hồi được 91% lượng tiền đã mất cho các nạn nhân (dựa trên con số 19 tỷ USD).
Những nhà đầu tư không phải là khách hàng trực tiếp của Madoff – những người đầu tư thông qua quỹ trung chuyển hoặc các công ty quản lý quỹ – không được phép yêu cầu bồi thường với ông Picard. Về phần họ, Bộ Tư pháp Mỹ đã lập ra quỹ riêng 4 tỷ USD để bồi thường phần nào cho khoản mất mát của họ.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)