Vietstock - Quy định nợ gốc quá hạn thu trước, nợ lãi thu sau gây khó cho ngân hàng
Với quy định thu nợ gốc bị quá hạn trước, khách hàng có thể chọn cách chỉ trả phần nợ gốc bị quá hạn mà không trả khoản nợ lãi. Khoản nợ lãi quá hạn này không bị chuyển thành nợ quá hạn theo Điều 20 Thông tư 39 nên lịch sử tín dụng của khách hàng sẽ không bị ảnh hưởng (khách hàng sẽ không bị nợ xấu).
Quy định nợ gốc quá hạn thu trước, nợ lãi thu sau gây khó cho ngân hàng
|
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) vừa được tổ chức, nhóm Công tác Ngân hàng đã có nhiều kiến nghị đáng chú ý, trong đó có kiến nghị liên quan đến thứ tự thu nợ gốc và lãi tiền vay.
Cụ thể, theo Điều 18.4 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định đối với khoản vay bị quá hạn trả nợ của khách hàng cá nhân, tổ chức tín dụng thực hiện theo thứ tự nợ gốc thu trước, nợ lãi tiền vay thu sau.
Theo Nhóm Công tác Ngân hàng cho hay, việc thực hiện Điều 18.4 khiến các ngân hàng gặp không ít khó khăn.
Cụ thể, với cách thu nợ gốc bị quá hạn trước, khách hàng có thể chọn cách chỉ trả phần nợ gốc bị quá hạn mà không trả khoản nợ lãi. Khoản nợ lãi quá hạn này không bị chuyển thành nợ quá hạn theo Điều 20 Thông tư 39 nên lịch sử tín dụng của khách hàng sẽ không bị ảnh hưởng (khách hàng sẽ không bị nợ xấu).
"Với các khoản vay tín chấp, điều đó đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ rất khó khăn trong việc thu hồi khoản nợ lãi và có thể sẽ không thu hồi được khoản nợ lãi này", nhóm Công tác Ngân hàng cho biết thêm.
Do đó, nhóm đề xuất Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thêm về trình tự này. Phía Ngân hàng Nhà nước cho biết vấn đề đang trong quá trình xử lý.
Một kiến nghị đáng chú ý khác của nhóm Công tác Ngân hàng là bỏ yêu cầu ngân hàng phải phương án phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất được phê duyệt bởi đại diện có thẩm quyền, khi ngân hàng thực hiện phòng ngừa rủi ro cho chính các hoạt động phát sinh trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng.
Nhóm Công tác Ngân hàng cho hay, việc các ngân hàng thực hiện các hoạt động kinh doanh truyền thống như nhận tiền gửi, cho vay với các kỳ hạn khác nhau và bằng các loại tiền khác nhau đã tạo ra các rủi ro về lãi suất và tỷ giá cho bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Việc sử dụng các giao dịch phái sinh lãi suất để phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng, bao gồm các rủi ro phát sinh từ hoặc ngoài bảng cân đối kế toán, là hoạt động bình thường theo thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, theo nhóm Công tác Ngân hàng, việc yêu cầu phương án phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất được phê duyệt như quy định hiện nay tại Thông tư 01/2015/TT-NHNN là không thực tiễn vì trên thực tế các ngân hàng luôn luôn phải tuân thủ hàng ngày các quy định về trạng thái ngoại tệ, các giới hạn, quy định tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Trên cơ sở đó, các ngân hàng cũng đã có các quy định nội bộ để kiểm soát các rủi ro về lãi suất và tỷ giá cho các hoạt động của ngân hàng. Qua đó việc thực hiện các giao dịch phòng ngừa rủi ro phải dựa nhu cầu phát sinh thực tế hàng ngày của khách hàng và các giới hạn hạn mức được cho phép.
"Yêu cầu này là bước cản lớn nhất đối với sự phát triển của thị trường phái sinh, làm giảm khối lượng giao dịch cũng như tính thanh khoản của thị trường. Ngoài ra, giá cả thị trường biến động rất nhanh, nếu phải chờ viết kế hoạch phòng ngừa rủi ro và xin phê duyệt mới được giao dịch, giá có thể đã thay đổi quá nhiều ở thời điểm Ngân hàng có thể giao dịch được, dẫn đến chi phí bảo hiểm qua cao cho các ngân hàng", nhóm Công tác Ngân hàng phản ánh.
Nhóm đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng được chủ động thực hiện sản phẩm phái sinh lãi suất để phòng ngừa, hạn chế rủi ro lãi suất, tỷ giá phát sinh trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng để đảm bảo hoạt động an toàn và hiệu quả.
Minh Tâm