Vietstock - 5G 'made in Vietnam' chờ bệ phóng
Năm 2019, VN sẽ bắt tay vào thử nghiệm công nghệ 5G, sau đó triển khai thương mại chính thức cùng các nước trên thế giới vào 2020.
VN sẵn sàng triển khai công nghệ 5G
- Ảnh: Tiêu Phong
|
Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định như vậy tại hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực viễn thông” do Ban Kinh tế T.Ư chủ trì, phối hợp cùng Bộ TT-TT tổ chức ngày 14.11.
Năm 2019 thử nghiệm, năm 2020 “chạy” thương mại
Ông Cao Đức Phát, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế T.Ư, nhấn mạnh, nếu như công nghệ thông tin được xem là hạ tầng của hạ tầng, thì mạng 5G chính là xương sống kết nối trong cuộc cách mạng 4.0. Mạng 5G tạo ra đột phá về tốc độ lẫn sự ổn định cho thiết bị di động, xóa nhòa khoảng cách giữa tốc độ băng thông không dây và cố định cũng như kích hoạt làn sóng công nghệ, ứng dụng mới chưa từng có, có thể giải quyết các thách thức kết nối mọi lúc, mọi nơi, kết nối vạn vật.
Dẫn số liệu tính toán của các chuyên gia, theo Ban Kinh tế T.Ư, đến năm 2035, công nghệ 5G có thể góp phần vào ngành kinh tế số trị giá 12.000 tỉ USD trên toàn thế giới. Tại Mỹ, Trung Quốc hay các quốc gia khác vẫn diễn ra cuộc đua giành vị trí tiên phong, trở thành người xác lập, kiểm soát mô hình, tạo dựng kiến trúc và thiết kế nền tảng hoạt động của mạng di động 5G. Trung Quốc đã tạo ra “cơn sóng thần 5G” đe dọa vị trí tiên phong dẫn đầu của Mỹ, quốc gia này kêu gọi 400 tỉ USD tới năm 2020 để phát triển hạ tầng 5G. “VN ở đâu trong cuộc đua 5G và lựa chọn của VN là gì. Làm sao để chúng ta tạo ra cơn sóng thần của riêng mình”, ông Cao Đức Phát đặt vấn đề cho hội thảo.
Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời điểm năm 1990, thế giới bắt đầu xuất hiện công nghệ 2G thì chỉ 3 năm sau, VN đã khai trương mạng điện thoại di động công nghệ số 2G đầu tiên. Năm 2000, thế giới xuất hiện công nghệ 3G, nhưng 10 năm sau, 3 nhà mạng lớn nhất mới khai trương mạng điện thoại di động 3G. Đến khi 4G xuất hiện thì câu chuyện cũng gần tương tự như vậy.
“Năm 2018, tức là 8 năm sau khi thế giới xuất hiện 4G, chúng ta vẫn chưa được cấp tần số mới để làm 4G. Mạng 4G khai trương năm 2017 là do dồn dịch tần số 2G/3G”, ông Hùng nói và nhắc lại bài học về việc sớm chấp nhận 2G, ngành viễn thông VN từng ở trong top 20 thế giới. Nhưng khi chuyển sang 3G, 4G, vì sự đi sau về công nghệ, thiếu nhân tố cạnh tranh mới, VN đang xếp hạng ở vị trí 100. “Muốn thay đổi thứ hạng thì hạ tầng viễn thông phải đi đầu. Chưa đi đầu được trên phạm vi toàn quốc thì đi đầu ở Hà Nội và TP.HCM. Bộ TT-TT chủ trương cấp tần số 5G để thử nghiệm từ năm 2019, và đến năm 2020, khi thế giới bắt đầu triển khai 5G thì VN sẽ là một trong những nước đầu tiên triển khai”, ông Hùng cho biết.
DN mong muốn sớm cấp băng tần 4G/5G
Về phía các doanh nghiệp (DN), bà Susie Armstrong, Phó chủ tịch cấp cao về công nghệ Tập đoàn Qualcomm, đánh giá VN đã có những nỗ lực rất lớn trong việc triển khai 4G và hướng tới phát triển 5G.
Nữ doanh nhân này đề xuất VN cần có chính sách phù hợp, thân thiện để triển khai nhanh, trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi đầu tiên triển khai hệ sinh thái 5G. TS Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ TT-TT), đặt ra một loạt vấn đề về việc các DN đã sẵn sàng để triển khai 5G, song họ cần được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn về cơ chế, chính sách.
Đặc biệt, tránh đi vào vết xe đổ như việc 3G bị chậm mất 10 năm, trong đó riêng việc thi tuyển, đấu giá băng tần mất 2 năm, ông Trực rất mong muốn Chính phủ, Bộ TT-TT sớm có giải pháp để cấp phép băng tần nhanh hơn cho các DN. Ông Hoàng Việt Anh, Tổng giám đốc FPT Telecom, chia sẻ DN đang vững niềm tin vào hạ tầng số vững mạnh của VN, trong đó 5G là bước then chốt sẽ tạo ra cú hích để lan tỏa tới mọi lĩnh vực trong nền kinh tế. Hiện, Viettel cũng đã sẵn sàng và đang chờ đợi cấp phép băng tần 4G/5G, cũng như sự đồng ý của cơ quan chức năng để có thể bắt tay vào triển khai.
Trước băn khoăn của DN và chuyên gia, ông Lê Văn Tuấn, Phó cục trưởng phụ trách Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT-TT), cho biết hiện đang có 2 hình thức gồm thi tuyển và đấu giá băng tầng cho hạ tầng 5G. Dù theo hình thức nào, thì ông Tuấn khẳng định, Bộ TT-TT đang cố gắng làm sao để cấp nhanh nhất cho các DN. “Lộ trình đã được đặt ra, năm 2019 sẽ bắt tay vào thử nghiệm và triển khai thương mại vào 2020. Bộ ưu tiên IOT băng tần thấp, triển khai nhanh rộng ở thành phố lớn. Cho phép các DN sử dụng ngay băng tần đã được cấp để triển khai, thứ hai bổ sung thêm băng tần cho 5G để triển khai thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM”, ông Tuấn cho biết.
Mạng viễn thông được xây lên bởi thiết bị VN Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu: “Bộ TT-TT khích lệ và tạo mọi điều kiện để các DN công nghệ, cả nhà nước và tư nhân, cả DN lớn và nhỏ, nghiên cứu sản xuất được thiết bị viễn thông. Mục tiêu của chủ trương này là để lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, mạng viễn thông VN được xây lên bởi thiết bị VN. VN cũng phải trở thành nước thứ 5 trên thế giới xuất khẩu được thiết bị viễn thông Made in Vietnam, bao gồm tất cả thiết bị mạng và đầu cuối”. |
Anh Vũ