Vietstock - Ngân hàng quý cuối năm: “30 chưa phải là Tết”?
Trật tự trên đường đua kế hoạch 2018 của các ngân hàng tính đến cuối quý 3 đang có cuộc hoán chuyển ngoạn mục so với bán niên. Nhiều ngân giảm mạnh trích lập chi phí dự phòng, báo lãi cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ, nhưng cuối cùng, vạch đích lợi nhuận 2018 ai mới là người chạm tay trước?
Không tính đến Agribank, dựa trên số liệu của Vietstock tại 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, sau 9 tháng đầu năm, có 4 ngân hàng đã bỏ xa kế hoạch lợi nhuận năm 2018. Hầu hết các ngân hàng còn lại đều đi đúng tiến độ đạt trên 70% kế hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn những gương mặt hụt hơi một chút như VPBank (VPB, 57%), LPB (56%) hay thậm chí là chưa được nửa đoạn đường như NVB (49%).
Còn nhớ tại ĐHĐCĐ 2018, Ban lãnh đạo VietBank đã trình cổ đông hai kịch bản kế hoạch “tối thiểu” và kế hoạch “phấn đấu”, kế hoạch "phấn đấu” được áp dụng nếu NHNN chấp thuận cho Vietbank tăng trưởng tín dụng năm 2018 là 32%. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, trong hệ thống ngân hàng chỉ có Techcombank được NHNN chấp nhận cho nới room tín dụng từ 14% lên 20%. Như vậy, dựa theo chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 97 tỷ đồng của kế hoạch "tối thiểu" Vietbank đang dẫn đầu bảng hoàn thành kế hoạch khi bỏ xa đến 311% chỉ tiêu lợi nhuận năm với con số 302 tỷ đồng. Còn so với kế hoạch “phấn đấu” 300 tỷ đồng, VietBank cũng đã hoàn thành kế hoạch.
Mặc dù trích lập dự phòng khá cao, tăng 83% so với cùng kỳ năm trước và làm hao mòn 73% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh dẫn đến lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm của Maritime Bank (MSB) chỉ còn hơn 289 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, MSB vẫn vượt chỉ tiêu gần 50% so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế đã đề ra cho cả năm 2018.
Hai nhà băng còn lại hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm là NamABank và KLB khi vượt lần lượt 47% và 46% kế hoạch mặc dù nằm ở “chiếu dưới” bảng con số lợi nhuận tuyệt đối.
Hầu hết các ngân hàng còn lại đều đi đúng tiến độ đạt trên 70% kế hoạch. Nếu như hồi bán niên chỉ thực hiện được 65% kế hoạch năm thì chỉ sau 3 tháng, OCB chạy nước rút vươn lên dẫn đầu các ngân hàng đi đúng tiến độ và đẩy lên 92% kế hoạch. Mặc dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp 2.5 lần so với cùng kỳ nhưng đồng thời lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của OCB cũng gấp 2.4 lần cùng kỳ, do đó lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của OCB đạt hơn 1,846 tỷ đồng, gấp 2.3 lần so với cùng kỳ năm trước, thực hiện được 92% so với kế hoạch 2,000 tỷ đồng.
“Anh cả” Vietcombank (VCB) thực hiện được gần 88% kế hoạch lợi nhuận năm, xếp thứ 3 sau MBB (88%), và 2 “ông lớn” khác là BIDV (BID) và VietinBank (CTG) đều đi đúng tiến độ thực hiện được 78% và 70% chỉ tiêu lợi nhuận nhuận năm.
Lãi trước thuế và tỷ lệ thực hiện kế hoạch của các ngân hàng sau 9 tháng đầu năm. Đvt: Tỷ đồngNguồn: VietsockFinance |
Vietcombank tiếp tục dẫn đầu lợi nhuận toàn ngành
Xét về con số tuyệt đối, VCB vẫn đứng ở vị thế đầu ngành khi lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đạt 11,683 tỷ đồng. Mặc dù chỉ tăng 47% so với cùng kỳ năm trước nhưng con số này đã bỏ xa á quân gần 4,000 tỷ đồng.
Techcombank (TCB) vượt qua cả 2 "anh lớn" là CTG và BID về nhì với con số sát sao 7,774 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế nhờ giảm mạnh chi phí dự phòng 30% so với cùng kỳ.
Nằm trong nhóm tăng chi phí dự phòng rủi ro so với cùng kỳ nhưng mức tăng không cao chỉ khoảng 20-25%, CTG và BID xếp thứ 3 và 4 với 7,596 tỷ đồng và 7,254 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Đuổi sát theo đó là VPB và MBB cũng đạt lợi nhuận trước thuế trên 6,000 tỷ đồng, tiếp theo là ACB (4,776 tỷ đồng) và HDB (2,884 tỷ đồng). Những nhà băng còn lại như OCB, VIB, TPB, SHB (HN:SHB), EIB, LPB cũng đạt trên 1,000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Mặc dù nằm ở chiếu dưới, nhưng NamABank là nhà băng duy nhất “vượt lên chính mình” khi tháng đầu năm nay đạt 471 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 17 tỷ đồng và vượt 47% kế hoạch năm.
Nói đi cũng phải nói lại, vẫn còn những gương mặt đi ngược xu thế chung, sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ như LPB (giảm 29%), MSB (giảm 50%) và SGB (giảm 47%). Tuy vậy, MSB vẫn vượt 49% kế hoạch lợi nhuận năm, trong khi LPB và SGB cũng thực hiện được 56% và 81% kế hoạch.
Biểu đồ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng 9 tháng đầu năm. Đvt: Tỷ đồngNguồn: VietstockFinance |
Phải nhìn nhận rằng tình hình chung trong 9 tháng đầu năm này, một nửa ngân hàng giảm trích lập chi phí dự phòng và giúp lợi nhuận lên cao. Nhiều ngân hàng giảm đến hơn một nửa chi phí dự phòng so với cùng kỳ như SHB (55%), ACB (56%), KLB (56%) và NamABank thậm chí giảm đến 91%.
Bên cạnh đó, một số gương mặt lại chấp nhận “hy sinh” lợi nhuận, tăng tỷ lệ trích lập dự phòng lên bằng lần so với cùng kỳ như SCB (gấp 5.7 lần), Vietbank (gấp 5.7 lần), STB (gấp 5.2 lần).
Lợi nhuận khủng, con số tăng trưởng thần tốc được các ngân hàng sau 9 tháng đầu năm liệu rằng là dấu hiệu ngành ngân hàng đang khởi sắc hay chỉ là bình minh trước cơn bão? Rõ ràng lợi nhuận tăng lên và tiến độ thực hiện kế hoạch lợi nhuận năm của hầu hết các nhà băng đang đi đúng hướng, nhưng đi kèm theo đó con số nợ xấu trong 9 tháng qua cũng đang tăng mạnh trở lại. Điều này cho thấy rằng về gần cuối năm, các ngân hàng tăng tốc đầu tư, nhiều dự án, kế hoạch sinh lời cao, nhưng đồng thời cũng đẩy rủi tăng cao, nhất là nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5). Câu chuyện nợ xấu trong 9 tháng đầu năm này là một vấn đề cần nhiều chữ hơn để bàn.
Cát Lam