Vietstock - Sức hấp dẫn của thị trường tiêu dùng Việt
Các thương hiệu ngoại lần lượt xuất hiện trong thời gian gần đây đều chọn Việt Nam là thì trường ưu tiên hàng đầu ở Đông Nam Á.
Nằm ở góc đường Lê Duẩn - Hai Bà Trưng, Hard Rock Cafe HCMC sở hữu diện tích 1.000 m2 tại vị trí đắc địa trung tâm Sài Gòn. Nhà hàng đã có 9 năm hoạt động, là điểm đến phổ biến của khách quốc tế, người nước ngoài làm việc tại thành phố và một số người Việt có gu giải trí kiểu Tây.
Trong một cuộc "trở mình" gần đây, nhà hàng muốn tiếp cận nhiều hơn đến khách địa phương, với thành phần trung lưu tăng mạnh và sự cởi mở về văn hóa. Không gian bên trong thay đổi hoàn toàn. Những bức tường dán họa tiết hoa sen. Một biểu trưng kết hợp giữa hoa sen và chiếc đàn guitar được công bố.
Ông Remko Engleman - Giám đốc điều hành Hard Rock Cafe Hong Kong, Macau và TP HCM nói rằng, nhà hàng muốn "kết hợp giữa truyền thống Việt Nam và sự hiện đại của thế giới". Ông không quên nhấn mạnh, sẽ không có rào cản nào giữa khách Việt và quốc tế, với các ban nhạc Việt Nam và những món ăn Mỹ có khẩu vị phù hợp người Việt.
"Trong lần thay đổi này, chúng tôi hy vọng sẽ mang đến một môi trường giải trí phù hợp cho tất cả mọi người", ông lạc quan vào phân khúc khách địa phương.
Theo báo cáo của Tập đoàn Tư vấn Boston, Việt Nam có tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, với 12,9% mỗi năm trong giai đoạn 2012 - 2020. Quý II/2018, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam khá cao, với 120 điểm phần trăm, xếp thứ 5 về mức độ lạc quan nhất toàn cầu theo The Conference Board và Nielsen.
“Chỉ số niềm tin người tiêu dùng có xu hướng tăng cao hơn trong các quý gần đây kết hợp với sự cải thiện liên tục trong các chỉ số tăng trưởng kinh tế đã dẫn đến sự tăng trưởng ở một vài ngành như du lịch, hoạt động giải trí và các sản phẩm công nghệ thông tin", bà Nguyễn Hương Quỳnh - Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam cho biết.
Bà Quỳnh cũng lưu ý rằng, hoạt động kinh doanh của ngành hàng tiêu dùng nhanh trong quý II không mạnh, với mức tăng trưởng chỉ vào khoảng 2,7%. Song, với những thương hiệu mới, đó không phải là một điều đáng lo so với diễn biến chung chung, với tinh thần lạc quan của người tiêu dùng và cả tăng trưởng kinh tế đang vượt chỉ tiêu của Việt Nam.
Thậm chí, một chuyên gia ngân hàng còn nhận định, kinh tế Việt Nam đang sáng sủa khá nhiều so với các nước lân cận và tình hình toàn cầu đang biến động bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Cách đây ít ngày, Heineken Việt Nam mang thêm một thương hiệu bia mới từ Hà Lan về nước. Ông Alexander Koch - Giám đốc Thương mại cấp cao Heineken Việt Nam tuyên bố "trong hành trình chinh phục Đông Nam Á, Amstel đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên". Vị giám đốc nói trong bối cảnh hãng đang sản xuất và phân phối 9 thương hiệu đồ uống, với 6 nhà máy trên khắp Việt Nam.
Không đến đầu tiên, nhưng với Ariete (thuộc tập đoàn DeLonghi), Việt Nam cũng là lựa chọn số hai tại Đông Nam Á và số bốn tại châu Á. Cuối tuần trước, hãng gia dụng cao cấp đến từ Italy đã xác nhận sự hiện diện thông qua nhà phân phối An Gia Tiến.
Ông Marco Dellernia - Đại diện Ariete cho biết hãng kiếm được 2 triệu USD tại Indonesia sau một năm xuất hiện. Với thị trường gần trăm triệu dân, sau đất nước vạn đảo, Việt Nam là lựa chọn hợp lý nhất khu vực.
"Việt Nam là một trong những đối tác chiến lược và quan trọng trong tương lai của chúng tôi", ông Marco khẳng định.
Khách tham quan các mẫu thiết bị gia dụng mới nhập về Việt Nam. Ảnh: Viễn Thông
|
Tầm một tháng nữa, các sản phẩm điện gia dụng, nhà bếp, bàn ủi của thương hiệu này sẽ đổ bộ các siêu thị, trung tâm điện máy. Hãng còn có bộ sưu tập các sản phẩm cổ điển Vintage, vốn là xu hướng đang được ưa chuộng.
"Thị trường điện gia dụng đang có rất nhiều thương hiệu. Thêm một thương hiệu chưa chắc có thêm khách mà có thể chỉ làm chuyển dịch khách hàng từ thương hiệu này sang thương hiệu kia. Năm nay thì chưa, nhưng năm sau chúng tôi tự tin sẽ có kết quả kinh doanh thương hiệu này không thua kém gì thị trường khác trong khu vực", ông Nguyễn Hoàng Nam - Giám đốc An Gia Tiến nói.
Theo ước tính của Chính phủ, GDP bình quân đầu người năm nay đạt 2.540 USD và sẽ đạt khoảng 3.200 - 3.500 USD vào năm 2020. Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) quý II/2018 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) khảo sát cũng đang ở mức rất cao, với 84 điểm, tăng đến 6 bậc so với chỉ số vào quý I/2018.
Ông Nicolas Audier – Đồng chủ tịch EuroCham nói rằng, các doanh nghiệp đang mong mỏi Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đớm được phê chuẩn, trong bối cảnh "doanh nghiệp và nhà đầu tư châu Âu tin tưởng vào môi trường kinh doanh ở Việt Nam".
Viễn Thông