Vietstock - Rác thải y tế được quản lý ra sao?
Rác thải y tế là vấn đề được người dân quan tâm trong thời điểm hiện nay, bởi nếu không quản lý chặt, có nguy cơ lây nhiễm bệnh cho cộng đồng, đặc biệt là Covid-19.
Nhân viên Bệnh viện Chợ Rẫy đưa rác thải tái chế về một khu riêng. Ảnh: DUY TÍNH
|
Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM (HM:HCM) là nơi tiếp nhận các bệnh truyền nhiễm nhiều nhất và là tuyến cuối phía nam. Đây cũng nơi tiếp nhận và điều trị hàng chục ca bệnh Covid-19 ở TP.HCM.
Thu gom rác thải nguy cơ chứa Covid-19
Chiều 5.12, PV Thanh Niên đến Khoa Nhiễm C, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Ở khuôn viên BV, dọc các lối đi có rất nhiều thùng có dòng chữ “chất thải hữu cơ dễ phân hủy” và thùng màu vàng với dòng chữ “chất thải lây nhiễm” dành cho bệnh nhân (BN) và thân nhân.
Khu lưu trữ rác thải của BV chia thành 2 khu vực, khu rác thải y tế (RTYT) lây nhiễm được tập kết về một góc riêng, chốt chặn kín kẽ; khu rác thải tái chế nằm ở phòng đối diện. Điều đặc biệt, phía sau Khoa Hồi sức tích cực và chống độc người lớn, PV bắt gặp một thùng inox lớn chắc chắn với dòng chữ “chất thải có nguy cơ chứa Covid-19”.
BV lớn nhất miền Nam là BV Chợ Rẫy (TP.HCM), nơi từng điều trị 2 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở VN, BN 91 và nhiều BN Covid-19 khác “ghé thăm”, cũng có quy trình xử lý RTYT bài bản. Các điều dưỡng Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy sau khi thao tác tiêm chích trên BN thì bỏ bơm tiêm vào bao màu vàng, kim tiêm vào thùng nhựa màu, găng tay bỏ vào bao ni lông màu vàng trên xe đẩy. RTYT sau đó được các hộ lý, nhân viên khác đẩy đến khu nhà chứa rác thải. Với rác thải từ sinh hoạt của BN, BV tập kết ra một khu lớn. Rác thải tái chế thì được để riêng một khu. Còn với rác thải lây nhiễm, BV có khu xử lý riêng, đóng kín cửa.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng, cho biết RTYT, rác thải nguy hại tại các BV, cơ sở y tế đều được quản lý, phân loại tại cơ sở theo quy trình chuẩn liên bộ Y tế và TN-MT, đơn vị thực hiện thu gom theo khung giờ tùy theo từng cơ sở, còn quy trình vận chuyển, xử lý RTYT là do Sở TN-MT chịu trách nhiệm.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Tiên, Phó tổng giám đốc Công ty CP môi trường đô thị Đà Nẵng, cho biết đơn vị phụ trách chính việc thu gom, xử lý rác thải nguy hại, RTYT tại các cơ sở y tế ở Đà Nẵng, với lượng thu gom trung bình khoảng 2 tấn/ngày (trừ BV Tâm Trí, BV Hoàn Mỹ, BV 199, BV Gia đình do các đơn vị khác ở Quảng Nam xử lý). Đối với rác thải nguy hại này, đều kiểm soát vận chuyển đến nơi quy định, thực hiện tiêu hủy bằng phương pháp đốt. Hoạt động này có sự giám sát của Sở TN-MT TP.Đà Nẵng.
Những thùng rác nhỏ phân loại rác sinh hoạt và rác y tế. ẢNH: TRẦN CƯỜNG
|
Cũng theo ông Tiên, ngoài RTYT thông thường, tại các cơ sở y tế còn có một lượng rác thải nguy hại, y tế được thải ra từ các khu cách ly, khách sạn thực hiện cách ly, kiểm soát Covid-19 cũng phải thu gom theo quy trình phòng tránh lây nhiễm. Ở thời điểm hiện tại, mỗi ngày phát sinh thêm khoảng 1 tấn thuộc diện rác thải nguy hại, RTYT được đưa đi tiêu hủy.
Bà Vũ Vân Hà, Giám đốc Công ty CP vật tư thiết bị môi trường 13 (Urenco 13), đơn vị được cấp phép xử lý chất thải y tế trên địa bàn TP.Hà Nội, cho biết theo quy định pháp luật, việc phân loại chất thải y tế tại các cơ sở y tế là trách nhiệm của chủ nguồn thải. Công ty Urenco 13 thực hiện việc giao nhận chất thải y tế với cơ sở y tế tại khu vực tập kết, lưu giữ chất thải; thực hiện kiểm tra, rà soát và đối chiếu khối lượng, chủng loại chất thải trước khi vận chuyển chất thải y tế ra khỏi cơ sở y tế. Trường hợp chất thải chưa được phân loại hoặc phân loại chưa đúng quy định, nhân viên công ty sẽ đề nghị và hướng dẫn nhân viên giao chất thải của cơ sở y tế phân loại theo đúng chủng loại mới tiếp nhận…
Quá trình tiếp nhận, xử lý chất thải y tế được thực hiện duy trì việc kiểm tra, kiểm soát khối lượng chất thải tiếp nhận từ BV đến khi về nhà máy, hành trình di chuyển của phương tiện để bảo đảm không xảy ra hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình vận chuyển và xử lý chất thải.
Urenco 13 là đơn vị chính thu gom, xử lý rác thải y tế trên địa bàn TP.Hà Nội. ẢNH: LÊ QUÂN
|
Tiêu hủy khá tốn kém
Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, do BV chuyên khoa truyền nhiễm nên hầu hết RTYT đều được xem là rác có nguy cơ lây nhiễm cao, nên không được tái chế. Số lượng rác tái chế rất ít khoảng 100 kg/ngày (chủ yếu là bao đựng thuốc, thùng carton). BV đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP.HCM xử lý rác y tế và rác sinh hoạt; Công ty Trường Thiên Thanh xử lý rác thải độc hại nguy hiểm; cơ sở nhựa Tam Hồng Phát thu gom chất thải tái chế. Trung bình RTYT tại BV là khoảng 450 kg/ngày được xác định phân loại cụ thể.
“Riêng rác thải có liên quan Covid-19 thì được lưu giữ riêng biệt và có dán nhãn cảnh báo “Rác Covid-19”… Kinh phí xử lý rác y tế tùy theo số lượng thực tế mỗi tháng, trung bình BV phải chi cho việc xử lý chất thải rắn y tế khoảng 130 triệu đồng/tháng”, TS Châu thông tin.
Về trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác quản lý chất thải y tế, TS Châu nói, điều dưỡng trưởng khoa chịu trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn và giám sát công tác phân loại, lưu trữ và vận chuyển chất thải rắn. Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và Phòng Điều dưỡng kiểm tra công tác vệ sinh và xử lý rác tại các khoa lâm sàng và kho chứa chất thải rắn vào thứ tư hằng tuần. Tổ bảo vệ chịu trách nhiệm giám sát tại các cổng ra vào BV không cho rác tái chế sai quy định tuồn ra khỏi BV. Từ năm 2019 đến nay, đã có 2 trường hợp đề nghị thay đổi nhân viên vệ sinh công nghiệp liên quan đến công tác vệ sinh và thu gom rác tái chế không đúng quy định, không tuân thủ thời gian vệ sinh bề mặt.
Theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, RTYT phát sinh từ BV, nếu không được quản lý tốt sẽ có nguy cơ là nguồn lây bệnh truyền nhiễm cho cộng đồng. BV đã ra văn bản quy định, nếu phát hiện nhân viên y tế vi phạm về phân loại rác hay tuồn rác y tế ra ngoài cộng đồng thì sẽ bị xử phạt theo quy định của BV và theo pháp luật.
Tiềm ẩn nhiều mối nguy trong găng tay y tế đã qua sử dụng
Vừa qua, Thanh Niên đã có bài điều tra Nghi vấn đường dây tuồn găng tay y tế cũ vào VN. Trong khi đó, liên quan vấn đề găng tay y tế cũ, trả lời Thanh Niên, lãnh đạo Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết các loại găng tay, khẩu trang sử dụng trong y tế là loại chất thải không được tái chế. Quá trình xử lý các loại chất thải này thường là thu gom, phân loại vận chuyển bằng thiết bị, phương tiện chuyên dụng từ nguồn phát thải đến các cơ sở có đủ điều kiện, được cấp phép thực hiện hấp, sấy để khử khuẩn trước khi mang đi thiêu hủy.
Vị lãnh đạo này cho biết, đối với chất thải y tế nói chung, khi trong khuôn viên cơ sở y tế thì được thực hiện thu gom, bảo quản theo quy định của ngành y tế. Nhưng khi đưa ra khỏi khuôn viên cơ sở y tế, thì chịu sự quản lý theo quy định tại Thông tư 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT là văn bản liên tịch phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ TN-MT ban hành vào năm 2015. Theo đó, việc thu gom, quản lý, phân loại, tái chế, vận chuyển, lưu trữ, xử lý… chất thải y tế nguy hại, chất thải y tế thông thường được quy định rất chi tiết, chặt chẽ.
Tuy quy định pháp luật rất chặt chẽ, nhưng việc thực hiện nghiêm hay không còn tùy thuộc trước hết vào ý thức chấp hành pháp luật của đối tượng chịu quản lý và mức độ kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng. Trên tinh thần ai làm sai ở khâu nào, mức độ nào thì phải chịu trách nhiệm, đều có quy định rất rõ ràng.
Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, găng tay y tế thường được sử dụng trong chăm sóc BN, xét nghiệm, thủ thuật phẫu thuật. Ở các BV, găng tay y tế được xếp là rác thải nguy hại, chỉ sử dụng một lần. Nếu tái sử dụng sẽ lây nhiễm chéo cho người xử lý tái sử dụng, cũng như cho các BN khác. RTYT nguy hại có thể chứa các vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm như: tụ cầu, HIV, viêm gan B..., chúng có thể xâm nhập vào cơ thể người thông qua nhiều hình thức.
|
Thanh Niên