Vietstock - Khả năng ngân sách hụt thu 3.000 tỷ đồng
Đây là đánh giá của các các vụ, đơn vị chức năng Tổng cục Thuế tại cuộc họp giao ban của Tổng cục thuế hôm 6/2. Cùng với giá dầu thô đang có xu hướng giảm, khả năng ngân sách được dự báo hụt thu thêm 3.000 tỷ đồng nữa…
Người nộp thuế đến giao dịch với Cục thuế Thừa Thiên- Huế được sử dụng nước sát khuẩn và phát khẩu trang miễn phí. Ảnh: Nguyệt Liên |
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, trong tháng 1/2020, ngành thuế đã thu đạt 155.600 tỷ đồng, đạt 12,4% so với dự toán và tăng 11,5% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng thu cao so với nhiều năm gần đây.
Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, những kết quả đạt được trong tháng 1/2020 là dư âm của kết quả sản xuất kinh doanh trong quý IV/2019. Theo nhận định của Tổng cục thuế, trong thời gian tới, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo đánh giá của các vụ, đơn vị chức năng của Tổng cục Thuế, dịch bệnh do nCoV và tác động của quy định hạn chế tác động của bia, rượu... sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất kinh doanh và thu ngân sách (sản lượng tiêu thụ rượu, bia giảm trên 50%).
Giá dầu thô đang có xu hướng giảm. Giá giao dịch bình quân hiện nay chỉ còn trên 50 USD/thùng, do đó sẽ làm ngân sách hụt thu trên 3.000 tỷ đồng.
Chính vì vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Tổng cục trưởng Tổng cục thuế yêu cầu các vụ, đơn vị cần rà soát kỹ các nguồn thu, đặc biệt là nguồn thu đối với các hộ ngừng nghỉ kinh doanh, hộ kinh doanh thuế khoán, tiếp tục hoàn thiện cơ chế ủy nhiệm thu, hạn chế nợ đọng thuế.
Tổng cục trưởng cũng yêu cầu Văn phòng Tổng cục Thuế xây dựng nhiệm vụ, kế hoạch chi tiết theo từng tháng, quý và nhiệm vụ giải pháp để đạt được kế hoạch. Các vụ, đơn vị cần tổ chức phát động các phong trào thi đua trào mừng 75 năm thành lập ngành thuế và 30 năm thành lập hệ thống thuế. Vụ Dự toán cần khẩn trương trình lãnh đạo Tổng cục giao dự toán phấn đấu cho 63 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, cần theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện đôn đốc và cưỡng chế nợ; tổng hợp, phân tính cơ cấu nợ thuế, phân loại nợ, xác định nguyên nhân nợ tăng; đánh giá kết quả thực hiện đôn đốc thu hàng tháng của toàn ngành thuế. Vụ Quản lý nợ cần tập trung xây dựng thông tư hướng dẫn thi hành Nghị quyết 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Toàn ngành cần tổ chức triển khai ngay các đoàn thanh, kiểm tra, theo kế hoạch.
Về thể chế chính sách ,cần khẩn trương xây dựng lấy ý kiến các bộ ngành về các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế, Nghị định về hóa đơn điện tử, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh thuế. Các đơn vị cần đánh giá kế hoạch cải cách 2016-2020 và xây dựng chiến lược 2021-2025, gắn kết với đề án mở rộng cơ sở thuế. Tiếp tục đẩy mạnh việc kê khai nộp thuế, hoàn thuế điện tử, nộp lệ phí trước bạ ôtô, xe máy qua mạng, rà soát nâng cấp các thủ tục hành chính cấp độ 1, 2 lên cấp độ 3, 4.
Thanh Thanh