Vietstock - JPMorgan dự báo cuộc khủng hoảng kế tiếp sẽ diễn ra vào năm 2020
10 năm sau khi cú sụp đổ của Lehman Brothers gây chấn động trên các thị trường và buộc Mỹ phải triển khai hàng loạt biện pháp khẩn cấp, các chiến lược gia tại JPMorgan đã tạo ra một mô hình nhằm đo lường thời điểm và mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính kế tiếp. Và mới đây, họ cho rằng nhà đầu tư nên chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2020.
Thế nhưng, tin tốt ở đây là cuộc khủng hoảng kế tiếp có lẽ có tác động yếu hơn so với các cuộc khủng hoảng trong quá khứ, dựa trên phân tích của JPMorgan. Tin xấu là gì? Thanh khoản của thị trường tài chính ngày càng giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 vẫn còn là một “ẩn số”.
Mô hình của JPMorgan tính toán các kết quả dựa trên độ dài của quá trình tăng trưởng kinh tế, độ dài tiềm năng của đợt suy thoái kế tiếp, mức độ đòn bẩy, mức định giá tài sản, mức độ nới lỏng quy định và sự đổi mới tài chính trước cuộc khủng hoảng. Giả định đây là một cuộc suy thoái có độ dài trung bình, mô hình đưa ra thành quả ước tính (từ đỉnh xuống đáy) đối với các loại tài sản khác nhau trong cuộc khủng hoảng kế tiếp như sau:
- Chứng khoán Mỹ rớt 20%
- Lợi suất trái phiếu doanh nghiệp Mỹ tăng 1.15%.
- Giá năng lượng tụt 35% và giá các kim loại cơ bản rớt 29%.
- Chênh lệch giữa trái phiếu Chính phủ ở các thị trường mới nổi sẽ nới rộng ra thêm 2.79%.
- Chứng khoán thị trường mới sụt 48% và tiền tệ của các quốc gia thị trường mới nổi cũng giảm 14.4%.
“Những dự báo này có vẻ không thấm vào đâu so với những gì mà cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 gây ra và cũng không đáng báo động so với các cuộc khủng hoảng/suy thoái bình thường”, Chiến lược gia John Normand và Federico Manicardi của JPMorgan nhận định.
Marko Kolanovic trước đó kết luận rằng, việc dần tách khỏi hoạt động đầu tư theo phương pháp chủ động – thông qua sự trỗi dậy của các quỹ chỉ số, quỹ ETF và các chiến lược giao dịch dựa trên định lượng – đã làm gia tăng mức độ nguy hiểm của các đợt gián đoạn thị trường.
“Việc chuyển từ phương pháp quản lý tài sản chủ động sang bị động, và cụ thể là sự suy giảm số lượng các nhà đầu tư giá trị chủ động, đã làm giảm bớt khả năng ngăn chặn và phục hồi trở lại từ các đợt giảm mạnh”, Joyce Chang và Jan Loeys viết trong báo cáo ngày thứ Hai. Các tài khoản quản lý theo cách chủ động chiếm chỉ bằng 1/3 giá trị cổ phiếu đang quản lý.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)