Vietstock - Ai thắng, ai thua trong cuộc khủng hoảng của Thổ Nhĩ Kỳ?
Sự sụt giảm mạnh của đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ trong vài ngày qua đã làm rung chuyển thị trường toàn cầu, dù các chuyên gia không cho rằng những khó khăn mà Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt sẽ kích hoạt cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo.
Thổ Nhĩ Kỳ chiếm chưa tới 1% nền kinh tế thế giới và sự “phơi nhiễm” toàn cầu với lĩnh vực ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhỏ, các chuyên gia cho biết.
Theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) và J.P. Morgan Asset Management, các ngân hàng Tây Ban Nha có “dính dáng” nhiều nhất với hệ thống tài chính Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng các khoản vay của họ dành cho Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chiếm 4.5% tổng tài sản.
"Những con số đó không thực sự làm tôi lo lắng. Tôi nghĩ rằng đó là do vấn đề tâm lý nhiều hơn", Sat Duhra, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại nhà đầu tư Janus Henderson, nói trong chương trình "Squawk Box" của CNBC hôm thứ Tư.
Ông nói thêm rằng những diễn tiến ở Thổ Nhĩ Kỳ đã “đổ thêm dầu vào lửa" vào thời điểm các nhà đầu tư ngày càng lo lắng về những vấn đề như tranh chấp thương mại đang leo thang, tăng lãi suất ở Mỹ và triển vọng kinh tế yếu hơn của Trung Quốc.
Những người ‘thua cuộc’: Các thị trường mới nổi và ngân hàng
Trong bối cảnh đó, các thị trường mới nổi - Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một phần của nhóm này - đã trở thành “nạn nhân” lớn nhất trong tình hình thị trường gần đây.
Quỹ ETF iShares MSCI Emerging Markets (NYSE:EEM), một sản phẩm đầu tư thụ động theo dõi chỉ số này, đã giảm hơn 1% trong tuần này mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chiếm 0.6% tài sản cơ bản.
Giới đầu tư đã rút tiền ra khỏi các thị trường mới nổi lớn hơn vì sợ rằng những quốc gia khác, đặc biệt là những nước có vị thế tài chính yếu, sẽ tiếp bước Thổ Nhĩ Kỳ. Những đợt rút tiền như vậy đã làm tổn thương các đồng tiền khác: đồng rupee Ấn Độ và đồng peso Argentina đã chạm mức thấp nhất so với đô la Mỹ vào đầu tuần này.
Tuy nhiên, những nỗi sợ hãi như vậy có thể không có cơ sở, các chuyên gia cho biết.
"Cuộc khủng hoảng của Thổ Nhĩ Kỳ làm dấy lên lo ngại về các thị trường mới nổi đang có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn hơn như Brazil, Nam Phi và Argentina", một báo cáo hôm thứ Ba của Viện Đầu tư Wells Fargo cho biết.
"Điều quan trọng cần nhớ là nhìn chung, những quốc gia thuộc nhóm thị trường mới nổi có vị thế tài chính mạnh hơn nhiều so với cách đây 20 năm", báo cáo nói thêm.
Mặc dù có sự tiếp xúc hạn chế với hệ thống tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng các cổ phiếu ngân hàng ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng.
Các ngân hàng châu Âu như BBVA của Tây Ban Nha và UniCredit của Ý, những tổ chức có chi nhánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, tuần này đã chứng kiến cổ phiếu của họ giảm lần lượt 3.3% và 4.6%.
Các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ dễ bị tổn thương trong tình hình hiện tại bởi vì những công ty ở đây đang vướng một khoản nợ bằng ngoại tệ khá cao, và có thể sẽ ngày càng khó trả do đồng lira yếu. Tổng số tiền vay bằng các loại tiền tệ khác với đồng lira của quốc gia này đã tăng lên hơn 50% tổng GDP của họ - và phần lớn khoản nợ đó hiện do các công ty nắm giữ.
Giới đầu tư lo ngại rằng sự yếu kém trong các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ có thể “lây” sang những ngân hàng nước ngoài có tài sản ở quốc gia này.
"Điểm yếu trong toàn bộ cơ cấu này là hệ thống ngân hàng. Tôi nghĩ ngay lúc này, chúng ta vẫn đang ở một nơi ổn định. Nếu chúng ta vẫn ở trong tình trạng tương tự trong 9 đến 12 tháng tới, thì tôi nghĩ các ngân hàng ở đây là liên kết yếu nhất”, Nafez Zouk, chuyên gia kinh tế trưởng chuyên về thị trường mới nổi tại Oxford Economics, nói trong chương trình "Capital Connection" của CNBC hôm thứ Tư.
Những người ‘chiến thắng’: Đồng đô la Mỹ và mối quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ
Vì nhà đầu tư tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn để giữ tiền của họ, nên các tài sản của Mỹ nổi lên như lựa chọn yêu thích của họ, nhờ nền kinh tế Mỹ mạnh hơn và lãi suất cao hơn.
Các vấn đề ở Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trùng với thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bán một số lượng kỷ lục trái phiếu Mỹ. Nhu cầu từ các nhà đầu tư đã giúp nâng chỉ số đô la Mỹ - vốn được xem là thước đo đồng đô la so với rổ tiền tệ - lên hơn 4% trong năm nay.
Đồng đô la Mỹ mạnh hơn sẽ chỉ làm tăng thêm những khó khăn mà Thổ Nhĩ Kỳ và các thị trường mới nổi khác đang phải đối mặt, David Dietze, người sáng lập, chủ tịch và cũng là chiến lược gia đầu tư chính của Point View Wealth Management, cho biết.
"Việc tăng lãi suất của Mỹ có hai tác động: Một là, nó làm cho nợ bằng đồng đô la của các nước ở thị trường mới nổi khó trả hơn, và trên hết, nó khiến mọi người đổ xô nhau tận dụng lãi suất của Mỹ, làm đồng đô la Mỹ tăng giá và cũng làm việc trả nợ bằng đô la Mỹ khó khăn hơn”, Dietze nói trong chương trình "The Rundown" của CNBC vào hôm thứ Tư.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đụng độ về vấn đề thuế quan và việc giam giữ mục sư người Mỹ Andrew Brunson. Đó là cơ hội để làm ấm các mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước trong Liên minh châu Âu (EU), theo một báo cáo vào hôm thứ Ba của tập đoàn tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group.
EU và Ankara lâu nay đã có những vấn đề về tính thượng tôn của luật pháp và tự do báo chí, nhưng liên minh này luôn cẩn thận trong các giao dịch với ông Erdogan, chứ không giống như lập trường bất ổn và thất thường của ông Trump, báo cáo của Eurasia viết.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thái độ ủng hộ EU trong những lời chỉ trích của liên minh này dành cho Mỹ khi Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ, Berat Albayrak, có "phản ứng tích cực" trên Twitter đối với một báo cáo của Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier, trong đó ông chỉ trích các mức thuế mới của Tổng thống Mỹ dành cho Thổ Nhĩ Kỳ.
"Điều này cho thấy quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng tiếp tục tan băng", Eurasia nói.
Nhã Thanh (Theo CNBC)