Vietstock - Mỹ và Trung Quốc đòi hỏi gì về thương mại?
Mỹ và Trung Quốc đã đưa ra một danh sách dài những yêu cầu dành cho mỗi bên tại cuộc đàm phán về thương mại trong tuần trước nhằm giải quyết những bất đồng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới.
Trong một tài liệu có tên “cân bằng mối quan hệ thương mại” (do Bloomberg thu thập được), Mỹ đã chia yêu cầu của mình theo 8 phần, từ giảm bớt thâm hụt thương mại cho tới hàng rào thuế quan cho tới việc triển khai.
Dưới đây là tóm tắt các yêu cầu của Mỹ, đã được trình bày cho Trung Quốc ngay từ đầu cuộc đàm phán:
Giảm bớt thâm hụt thương mại
- Trước thời điểm cuối năm 2020, Mỹ muốn Trung Quốc giảm bớt thâm hụt thương mại ít nhất là 200 tỷ USD so với mức của năm nay.
- Giá trị mua hàng hóa Mỹ của Trung Quốc sẽ chiếm ít nhất là 75% cam kết mua thêm 100 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ trong 12 tháng bắt đầu từ ngày 01/06/2018 và ít nhất là 50% cam kết mua thêm 100 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ trong 12 tháng bắt đầu từ ngày 01/06/2019.
Bảo vệ công nghệ và sở hữu trí tuệ Mỹ
- Trung Quốc phải lập tức giảm bớt tài trợ và hỗ trợ Chính phủ - một điều đã dẫn tới tình trạng dư thừa công suất ở các ngành được nhắm tới trong kế hoạch “Sản xuất ở Trung Quốc 2025” (Made in China 2025).
- Các chính sách và hành động cụ thể liên quan tới chuyển giao công nghệ phải được loại bỏ.
- Chấm dứt hành vi xâm nhập mạng và trộm cắp trên mạng.
- Củng cố bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
- Vào ngày 01/01/2019, Trung Quốc sẽ loại bỏ các điều khoản của Quy định về Quản lý Nhập khẩu và Xuất khẩu Công nghệ và các quy định về việc thực hiện Luật liên doanh cổ phần Trung Quốc - nước ngoài được xác định tại Mỹ.
- Vào ngày 01/07/2018, Trung Quốc sẽ rút lại những yêu cầu tham vấn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở Mỹ – các Biện pháp Thuế quan lên một số hàng hóa nhất định từ Trung Quốc và không thực hiện thêm động thái nào về vấn đề này.
- Trong tài liệu này, cũng kêu gọi Trung Quốc không thực hiện các động thái trả đũa chống lại các động thái của Mỹ.
Giới hạn đầu tư vào công nghệ nhạy cảm
- Mỹ đòi hỏi rằng Trung Quốc không được phản đối, thách thức hoặc trả đũa lại việc áp đặt giới hạn đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực công nghệ nhạy cảm của Mỹ hoặc các lĩnh vực thiết yếu đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Đầu tư của Mỹ tại Trung Quốc
- Mỹ yêu cầu Trung Quốc không được bóp méo thương mại thông qua các giới hạn đầu tư hoặc nếu có giới hạn thì phải trong phạm vi hẹp và minh bạch.
- Nhà đầu tư Mỹ ở Trung Quốc phải được tiếp cận thị trường một cách công bằng, hiệu quả và không phân biệt đối xử, bao gồm bỏ việc áp dụng giới hạn đầu tư nước ngoài và các yêu cầu đối với sở hữu và cổ đông nước ngoài.
- Trung Quốc phải công bố danh sách điều cấm toàn quốc cho các khoản đầu tư nước ngoài vào ngày 01/07/2018. Trong vòng 90 ngày, Mỹ sẽ xác định những giới hạn đầu tư còn tồn tại mà theo đó không cho phép nhà đầu tư tiếp cận thị trường Trung Quốc. Sau đó, Trung Quốc phải loại bỏ những giới hạn đầu tư mà Mỹ đã xác định theo lịch trình được xác lập bởi 2 quốc gia.
Hàng rào thuế quan và phi thuế quan
- Vào ngày 01/07/2020, Trung Quốc sẽ giảm thuế quan trên mọi sản phẩm trong những ngành không thiết yếu tới mức mà tại đó không được cao hơn mức thuế quan tương ứng của Mỹ.
- Trung Quốc phải loại bỏ các hàng rào phi thuế quan đã được xác định cụ thể, đồng thời nhận ra rằng Mỹ có thể áp đặt giới hạn nhập khẩu và thuế quan lên hàng hóa trong những lĩnh vực thiết yếu, bao gồm những lĩnh vực trong kế hoạch “Sản xuất ở Trung Quốc 2025”.
Dịch vụ và nhà cung ứng dịch vụ Mỹ
- Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải cải thiện khả năng tiếp cận thị trường theo những cách đã xác định.
Sản phẩm nông nghiệp Mỹ
- Mỹ yêu cầu Trung Quốc cải thiện khả năng tiếp cận thị trường theo những cách đã xác định.
Triển khai
- Cả hai quốc gia phải gặp gỡ mỗi quý để xem xét lại mục tiêu đề ra và các cải cách.
- Nếu Mỹ tuyên bố Trung Quốc không tuân theo khuôn khổ đề ra thì Mỹ có thể áp thuế quan hoặc ràng buộc khác lên hàng hóa Trung Quốc hoặc giới hạn cung ứng dịch vụ.
- Mỹ đòi hỏi Trung Quốc không được phản đối, thách thức hoặc dùng bất kỳ kiểu động thái nào chống lại việc áp đặt thuế bổ sung hoặc giới hạn từ phía Mỹ.
- Trung Quốc phải rút lại những lời phàn nàn đã gửi lên WTO có liên quan tới việc xem Trung Quốc là nền kinh tế phi thị trường.
- Trong vòng 15 ngày nhận được thông báo bằng văn bản về những sản phẩm bị cấm – có thể đã được chuyển khẩu sang một hoặc nhiều quốc gia, Trung Quốc sẽ cung cấp thông tin chi tiết về mỗi đợt chuyển hàng. Nếu không làm thế thì Mỹ sẽ áp đặt thuế quan.
- Nếu Trung Quốc không giữ đúng cam kết thì Mỹ sẽ áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và sẽ tịch thu hàng nhái và hàng lậu hoặc áp thuế để bù đắp cho những công nghệ và sở hữu trí tuệ bị mất.
- Mỹ yêu cầu Trung Quốc không được thực hiện trả đũa.
Dưới đây là những yêu cầu từ phía Trung Quốc:
- Trong một tài liệu do Bloomberg News thu thập được, Trung Quốc nói rõ rằng các biện pháp mở cửa thị trường sẽ không áp dụng cho nhà đầu tư Mỹ nếu Mỹ không đáp ứng những đòi hỏi của Trung Quốc về việc đối xử công bằng đối với các khoản đầu tư của họ.
- Gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu mạch tích hợp tới Trung Quốc.
- Ngừng áp thuế bổ sung 25% lên các hàng hóa Trung Quốc.
- Mở các vụ đấu thầu của Chính phủ đối với các sản phẩm và dịch vụ công nghệ của Trung Quốc.
- Đối xử công bằng đối với các công ty Trung Quốc trong các đợt rà soát an ninh quốc gia.
- Điều chỉnh lệnh cấm xuất khẩu đối với công ty ZTE.
- Bỏ cách tiếp cận đất nước đại diện trong những trường hợp chống bán phá giá và chống trợ cấp.
- Không thực hiện bất kỳ cuộc điều tra theo Điều 301 với Trung Quốc trong tương lai.
- Mở cửa thị trường thanh toán điện tử đối với các công ty Trung Quốc.
- Chấp nhận đơn đăng ký giấy phép tài chính cho China International Capital Corp.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)