Vietstock - EU vượt Mỹ trở thành nơi tiêu thụ thuỷ sản số một của Việt Nam
Trong năm 2017, EU đã vượt qua Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với trị giá đạt 1,46 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2016...
Vượt Mỹ, EU trở thành nơi tiêu thụ thuỷ sản số một của Việt Nam.
|
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới công bố của Tổng cục Hải quan trong năm 2017, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hơn 8,3 tỷ USD thủy sản các loại, tăng 18% so với kết quả thực hiện trong năm 2016. Với kết quả này, thủy sản là nhóm hàng đứng thứ 6 trong số các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam trong năm 2017.
Trong năm 2017, EU đã vượt qua Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với trị giá đạt 1,46 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2016.
Các thị trường khác tiêu thụ thủy sản lớn của Việt Nam bao gồm: Mỹ đạt 1,41 tỷ USD, giảm nhẹ 1,9% so với năm 2016; Nhật Bản: 1,3 tỷ USD, tăng 18,6%; Trung Quốc: 1,09 tỷ USD, tăng mạnh 59,4%; Hàn Quốc: 779 triệu USD, tăng 28,1%…
Nhập khẩu nguyên liệu thủy sản đầu vào để chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2017 cũng tăng cao. Tính chung chiếm gần 80% tổng kim ngạch nhập khẩu 1,44 tỷ USD của mặt hàng này.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ của nhóm hàng thủy sản trong năm 2017.
Các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thủy sản chủ yếu có xuất xứ từ: Ấn Độ: 357 triệu USD, tăng 29,6%; Na Uy: 122 triệu USD, tăng 17,3%; Trung Quốc: 112 triệu USD, tăng mạnh 58%; Đài Loan: 103 triệu USD, tăng 3,4%... so với năm 2016.
Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan trong 2 tháng đầu năm 2018 ghi nhận trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã đạt 1,07 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2017. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu thủy sản của Việt Nam là 272 triệu USD, tăng 33,9% so với một năm trước đó.
Đánh giá về hoạt động xuất khẩu thuỷ sản trong năm 2017, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào thị trường Mỹ giảm là do rào cản kỹ thuật và thuế chống bán phá giá cá tra, tôm khá cao làm ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp và kéo lùi kim ngạch ở thị trường này, nhưng sự tăng trưởng khả quan ở các thị trường chính khác đã bù vào sự sụt giảm ở thị trường Mỹ.
Như việc EU tăng cường nhập khẩu tôm của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng chế biến có giá trị gia tăng cao, và tác động của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực từ năm 2018 là yếu tố chính đẩy kim ngạch xuất khẩu vào EU tăng lên.
Ở thời điểm hiện tại, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cũng vừa công bố kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá cá tra xuất khẩu vào Mỹ đợt xem xét hành chính lần thứ 13.
Căn cứ kết luận này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/kg - 7,74 USD/kg cho giai đoạn rà soát nói trên. Đây là các mức thuế rất cao và sẽ có tác động lớn tới xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam sang Mỹ.
Tuy nhiên, Vasep và các doanh nghiệp phản đối quyết định thiếu công bằng này của DOC và đang xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Mỹ (CIT) trong thời gian sớm nhất để bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.
KIỀU LINH