Vietstock - Vì sao công an điều tra doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy Bình Dương?
Một trong ba doanh nghiệp nhà nước lớn nhất tỉnh Bình Dương sau quá trình cổ phần hóa đã xuất hiện nhiều lùm xùm liên quan tới những khu đất “vàng”, tới mức phải chuyển cơ quan điều tra để làm rõ. Vì sao?
Hồ sơ khu đất 43ha tại cửa ngõ thành phố mới Bình Dương đang được chuyển sang công an để điều tra quá trình chuyển nhượng từ doanh nghiệp nhà nước sang tư nhân - Ảnh: BÁ SƠN |
Đó là Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (PROTRADE CORP, mã chứng khoán: PRT; còn được gọi là Tổng công ty 3-2), với vốn điều lệ tới 3.000 tỉ đồng, hiện phần vốn nhà nước (thuộc Tỉnh ủy Bình Dương) vẫn chiếm tới trên 60% điều lệ công ty.
Thanh tra nhưng... không kết luận
Những khu đất rộng lớn do Tổng công ty Protrade từng nắm giữ hiện đang vướng "lùm xùm" (một khu 43ha và một khu rộng 145ha), nằm ngay cửa ngõ vào trung tâm hành chính tỉnh, nhưng vì sao suốt một thời gian dài đất đã được sang tay cho tư nhân, sau đó cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương mới "phát hiện" và xử lý?
Trả lời Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Thanh tra Nhà nước tỉnh Bình Dương cho biết với việc UBND tỉnh chuyển hồ sơ "vụ 43ha" đất tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một sang cơ quan điều tra đồng nghĩa với việc cơ quan thanh tra sẽ kết thúc thanh tra mà không ban hành kết luận thanh tra.
Mặc dù trước đó, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương cho biết đã lập đoàn thanh tra việc chuyển nhượng 43ha đất và sẽ công bố kết luận, xử lý nghiêm những ai vi phạm.
Vì sao lại chỉ chuyển sang công an điều tra mà không ban hành kết luận thanh tra? Trả lời báo chí tại buổi cung cấp thông tin ngày 8-11, ông Lê Hữu Phước - trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương - cho biết do quá trình thanh tra nhận thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật, vượt quá thẩm quyền của cơ quan thanh tra nên phải chuyển sang cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ.
Lãnh đạo Thanh tra Nhà nước tỉnh Bình Dương cho biết cơ quan thanh tra chỉ được làm những nội dung nằm trong kế hoạch thanh tra, trong khi đó phạm vi của cơ quan điều tra có thể rộng hơn. Trong quá trình công an tiến hành điều tra thì Thanh tra Nhà nước vẫn sẽ phối hợp theo yêu cầu.
Vị trí khu đất 43ha có "hai mặt tiền" đường Phạm Ngọc Thạch (đường dẫn vào trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương) và đường Võ Văn Kiệt - Ảnh: B.S. |
"Soi" 43ha, "né" 145ha
Một điều đáng ngạc nhiên là sau khi báo chí đăng tải về "lùm xùm" liên quan những khu đất vàng từng do Tổng công ty Protrade quản lý nay đã chuyển nhượng cho tư nhân, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương phản ứng khá nhanh, tổ chức họp báo (ngày 4-10 và ngày 8-11) nhưng chỉ tập trung vào khu đất 43ha.
Trong khi đó, một khu đất rộng hơn gấp nhiều lần, là khu đất 145ha, vốn là dự án sân golf Thái Hòa, cũng nằm gần khu đất 43ha nhưng cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương lại "ngó lơ" không nhắc tới.
Khu đất 145ha trước đây được Tổng công ty Protrade quản lý nhưng đã "vội vã" chuyển nhượng cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Tân Thành trước khi tổng công ty cổ phần hóa.
Điều dư luận bất ngờ là hai cổ đông chính của Công ty Tân Thành chính là Công ty cổ phần Hưng Vượng và Công ty TNHH Phát Triển.
Thông tin cho biết hai công ty trên lại là các công ty riêng của chủ tịch HĐQT Tổng công ty Protrade Nguyễn Văn Minh và con gái ông Minh.
Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi phải chăng cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương chỉ muốn hướng dư luận vào khu đất 43ha (hiện do một công ty bất động sản khá nổi tiếng mua lại). Đại diện Ban tuyên giáo tỉnh Bình Dương chỉ ghi nhận câu hỏi và hẹn trả lời sau.
Trách nhiệm của Tỉnh ủy Bình Dương tới đâu?
Tổng công ty Protrade là một doanh nghiệp tầm cỡ, từng là một trong ba doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của tỉnh Bình Dương (hai doanh nghiệp còn lại là Tổng công ty Becamex IDC và Tổng công ty Thanh Lễ). Protrade được giao quản lý quỹ đất rộng lớn lên tới hàng triệu mét vuông (thời điểm cuối 2017, trước khi cổ phần hóa là 2.554.492,5m2).
Đó là chưa kể các dự án mà tổng công ty này được giao hợp tác với các đối tác nước ngoài đầu tư, đều thuộc quy mô rất lớn như: Khu công nghiệp An Tây (thị xã Bến Cát) 500ha, hãng sữa nổi tiếng liên kết với đối tác Hà Lan, Bệnh viện phụ sản quốc tế Hạnh Phúc…
Tỉnh ủy Bình Dương chính là chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Protrade. Đáng lưu ý, quá trình chuyển nhượng các khu đất vướng "lùm xùm" 43ha và 145ha đều được hoàn tất trong thời gian gần đây (từ năm 2016 đến nay), gắn với giai đoạn mà tổng công ty này được cổ phần hóa, cũng là giai đoạn các lãnh đạo đương nhiệm của Tỉnh ủy Bình Dương.
Vậy trách nhiệm của Tỉnh ủy Bình Dương tới đâu?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Văn Nam - bí thư Tỉnh ủy Bình Dương - cho biết quá trình Tổng công ty Protrade chuyển nhượng đất, "có những việc tỉnh biết, nhưng cũng có việc tỉnh không biết".
"Khi phát hiện Tổng công ty Protrade thực hiện không đúng chỉ đạo, Tỉnh ủy đã yêu cầu dừng ngay. Chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ việc chuyển nhượng 43ha cũng là một động thái cho thấy lãnh đạo tỉnh xử lý kiên quyết, không bao che cho sai phạm của doanh nghiệp", ông Trần Văn Nam cho biết.
BÁ SƠN