Vietstock - Chứng khoán tháng 7 khó có đột phá?
Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong vùng điều chỉnh sau đợt tăng mạnh trước đó.
Chứng khoán tháng 7 không có đột phá
Theo ông Bùi Nguyên Khoa – Trưởng bộ phận Vĩ mô Thị trường CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC) trong tháng 7 nay, chỉ số VN-Index sẽ dao động quanh mức 830 - 880 điểm. Thị trường đang kiểm định sau đợt tăng mạnh, sau quá trình kiểm định thị trường sẽ ổn định và tạo nền chờ dòng tiền quay lại.
Về 6 tháng cuối năm, vẫn còn nhiều biến số tác động tới thị trường như tình hình dịch Covid-19, bầu cử tổng thống Mỹ, chiến tranh thương mại… song với nền tảng dòng tiền hiện tại, xu hướng thị trường cuối năm vẫn sẽ tốt hơn, hướng tới vùng điểm 850 - 950.
Hiện tại, thị trường trong nước khá ổn. Sau Covid-19 thị trường hồi phục khá tốt. GDP quý 2 tăng trưởng thấp song nếu bóc tách ra thì trong tháng 5- 6 tăng trưởng các chỉ tiêu về công nghiệp, tiêu dùng, sản xuất tăng tốt, đây là động lực tăng điểm của thị trường.
Chính sách tiền tệ vẫn đang theo quan điểm nới lỏng, lãi suất đang được giảm từ từ. Điểm trừ là lạm phát vẫn ở mức tương đối cao. Tuy nhiên với xu hướng thanh khoản hiện tại, lãi suất vẫn còn có thể giảm thì tiền trên thị trường về cuối năm vẫn khá dồi dào, từ đó hỗ trợ tốt cho thị trường.
Ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc Kinh doanh của CTCK Mirae Asset thì cho rằng thị trường sẽ không có có biến động đột phá trong tháng 7. Bởi lẽ, kết quả kinh doanh quý 2 không tốt do đó kỳ vọng không cao lắm. Dòng tiền từ F0 vẫn tăng mạnh, song thời gian tới, dòng tiền chủ yếu phân hóa theo câu chuyện. Nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh khởi sắc và tận dụng cơ hội trong dịch cùng cổ phiếu có câu chuyện liên qua tới thương vụ thoái vốn, sáp nhập sẽ được dòng tiền chú ý.
Câu chuyện chính sách sẽ kích thích thị trường tăng trưởng, tuy nhiên lo ngại liên quan tới làn sóng Covid thứ 2 và các thị trường xuất khẩu chủ lực sẽ khiến thị trường không có được sự bùng nổ và rơi vào tình trạng phân hóa trong 6 tháng cuối năm. Ông Huỳnh Minh Tuấn |
Theo ông Tuấn, tình hình vĩ mô hiện tại phụ thuộc vào câu chuyện kích cầu đầu tư công nhằm cải thiện tăng trưởng GDP năm nay. Câu chuyện chính sách sẽ kích thích thị trường tăng trưởng, tuy nhiên lo ngại liên quan tới làn sóng Covid thứ 2 và các thị trường xuất khẩu chủ lực sẽ khiến thị trường không có được sự bùng nổ và rơi vào tình trạng phân hóa trong 6 tháng cuối năm.
Ông Tuấn kỳ vọng P/E thị trường sẽ khôi phục về 16.5 vào cuối năm. Trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ hướng tới mức 950 điểm. Hỗ trợ cứng của thị trường ở quanh vùng 820 điểm.
Rủi ro từ dòng tiền không lớn
Nói về dòng tiền, ông Khoa đánh giá thanh khoản thị trường tốt trong tháng 3 - 6, giá trị giao dịch của nhà đầu tư nội tăng vọt. Gần vùng 900 điểm, áp lực chốt lời gia tăng khiến dòng tiền hiện nay chững lại. Dòng tiền đang phân hóa chờ kết quả kinh doanh quý 2 sắp tới để kiểm định lại diễn biến thị trường thời gian vừa qua.
Kết quả kinh doanh quý 2 dự đoán tiêu cực đã được thị trường đón nhận. Thị trường thời gian tới sẽ kiểm định lại dẫn tới các cổ phiếu đã tăng mạnh nhưng có kết quả quý 2 kém sẽ điều chỉnh mạnh. Song thị trường vẫn đang có nền tảng, nếu triển vọng kết quả kinh doanh tích cực hơn thì sau khi lập đáy ngắn hạn các cổ phiếu sẽ lại hồi phục.
Ông Tuấn nhận định, thanh khoản thị trường hiện đang điều chỉnh sau đợt tăng mạnh. Áp lực chốt lời ở vùng hiện tại khá thấp, margin không tăng nhiều do nhà đầu tư F0 không dùng nhiều margin và các nhà đầu tư lâu năm thận trọng nên rủi ro không cao.
Chờ dòng tiền để có nhiều cơ hội đầu tư hơn
Theo ông Khoa, cơ hội lướt sóng không còn nhiều, nhà đầu tư nên nhìn vào dài hạn hơn với các cổ phiếu tốt có triển vọng về kết quả kinh doanh, đồng thời, duy trì tỷ trọng ổn định để có thể mua thêm cổ phiếu ở vùng giá rẻ khi thị trường điều chỉnh. Dòng tiền sẽ sớm quay lại, lúc đó cơ hội đầu tư sẽ nhiều hơn.
Kết quả kinh doanh quý 2 dự đoán tiêu cực đã được thị trường đón nhận. Thị trường thời gian tới sẽ kiểm định lại dẫn tới các cổ phiếu đã tăng mạnh nhưng có kết quả quý 2 kém sẽ điều chỉnh mạnh. Ông Bùi Nguyên Khoa |
Hiện tại khó để chỉ ra nhóm dẫn dắt thị trường, nhóm VN30 hiện cũng có sự phân hóa, dòng tiền đang rút ra và chuyển sang nhóm VNDiamond. Cơ hội với nhóm này sẽ trở lại khi dòng tiền ngoại trở lại, muốn dòng tiền trở lại VN30 cần các câu chuyện lớn hơn như như nâng hạng thị trường…
Ông Tuấn khuyến nghị, trong bối cảnh tiền rẻ, Việt Nam chống dịch hiệu quả nên thị trường sẽ hút vốn hơn so với các thị trường xung quanh, mặt khác, Việt Nam sẽ trở thành nơi sản xuất xen kẽ với Trung Quốc. Do đó, nhà đầu tư có thể tập trung vào nhóm bất động sản khu công nghiệp trong dài hạn. Ngoài ra, các nhóm ngành hưởng lợi từ câu chuyện đầu tư công như vật liệu xây dựng, xây dựng hạ tầng… cũng nên xem xét.
Nói về cơ hội ở các thương vụ M&A, ông Tuấn chia sẻ khi trải qua cú sốc kinh tế, các công ty đi mua (buyer) sẽ tìm tới doanh nghiệp có điểm yếu nhất mà các công ty này có tiềm lực để khắc phục thời để thâu tóm. Những thương vụ này sẽ đem lại lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư có năng lực thẩm định và thông tin chất lượng thì có thể tham gia.
Chí Kiên