Vietstock - Niềm tin trong đại dịch
Tôi đã làm một điều mà hầu hết mọi bạn Việt của tôi không tán thành: tôi đã đầu tư phần lớn tiền tiết kiệm trong nhiều năm qua vào chứng khoán Việt Nam.
Khoản tiền đó đủ để tôi có thể sống ở Việt Nam ít nhất hai ba năm. Khi biết tin, các bạn Việt của tôi cắn môi sửng sốt, chỉ trích hành động ''dại dột' của tôi. Đầu tư chứng khoán khá phổ biến trong các nước phát triển (riêng ở Mỹ, cả một nửa dân số sở hữu cổ phiếu), tuy nhiên ở Việt Nam nó được xem như một hoạt động liều lĩnh đầy rủi ro được so sánh với cờ bạc hay xổ số, với chỉ 1-2% của dân số là người chơi chứng khoán (''chơi'' là một từ thật ghê gớm!). Khi tôi hỏi các bạn tại sao người Việt e dè chứng khoán mặc dù kinh tế tăng trưởng ổn định, họ trả lời rằng họ không có sự tin tưởng vào chứng khoán Việt Nam nói chúng và vào các con số tài chính của các doanh nghiệp Việt nói riêng.
Vậy tại sao tôi quyết định tham gia chứng khoán Việt Nam? Không phải vì tôi thiếu cân nhắc hay thiếu sự hiểu biết: tôi đã dành nhiều tháng để nghiên cứu và thu lượm kiến thức, tìm hiểu về các doanh nghiệp trước khi rót tiền gom cổ phiếu. Cũng không phải vì lòng tham lam, bởi tôi đã biết từ trước rằng theo con số thống kê, chứng khoán Việt Nam có mức tăng trưởng khá khiêm tốn so với các thị trường lớn như Mỹ.
Tôi quyết định đầu tư vì có niềm tin và sự tin tưởng vào kinh tế Việt Nam trong tương lai. Tôi sẵn sàng chịu rủi ro và thiệt hại ngắn hạn để đạt được mục tiêu dài hạn. Đồng thời, các nhà đầu tư rót tiền của mình để giúp doanh nghiệp huy động vốn và phát triển tốt hơn. Nguyên tắc chứng khoán dựa trên lòng tin cậy lẫn nhau và kỳ vọng tích cực vào tương lai. Vậy khi thị trường chứng khoán lao dốc tháng trước vì dịch virus Covid-19, sụt giảm gần mười phân trăm và liên tục phá đáy khiến các nhà đầu tư hoang mang hoảng hốt, tôi cũng phải ''chảy máu'' cùng nó, phải chịu thiệt hại rất nặng nề. Tuy vậy, tôi không bán cổ phiếu để cắt lỗ, vẫn giữ sự bình tĩnh. Bởi tôi chưa mất niềm tin. Tôi biết rằng khủng khoảng này sớm hay muộn phải kết thúc và cuộc sống trở lại bình thường.
Dịch Covid-19 không phải biến động đầu tiên khiến các cổ phiếu của tôi "chảy máu": năm 2018 chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng khiến thị trường chứng khoán chìm vào sắc đỏ và làm các nhà đầu tư hoang mang, bi quan. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy, thị trường chứng khoán đã vượt qua bao nhiêu sóng gió của thế kỷ 20, bao nhiêu chiến tranh và sự kiện ác liệt. Nhưng khi lâm vào khó khăn, chúng ta hay mất khả năng nhìn xa trông rộng và bị nỗi sợ hãi trước mắt làm tê liệt. Chúng ta mất niềm tin vào tương lai và ánh sáng ở cuối đường hầm. Theo cách tương tự, khi người dân gần đây đổ vào các siêu thị ùn ùn mua thực phẩm tích trữ, điều đó cho thấy họ bị nỗi sợ hãi chi phối và mất đi niềm tin vào khả năng của chính chúng ta - cả chính quyền lẫn dân chúng - kiểm soát tình hình.
Mặc dù virus Covid-19 diễn biến rất khó lường, tôi vẫn giữ lòng lạc quan khi thấy phản ứng nhanh chóng và đúng đắn của các cơ quan chức năng và thái độ tận tụy của các y tá, bác sĩ Việt Nam. Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc đặt niềm tin vào các cơ quan nhà nước và vào sự tháo vát, kiên trì vốn có của con người ta.
Có một bài học mà chứng khoán dạy cho tôi. Theo một nghiên cứu, việc theo dõi các tin tức và diễn biến tài chính một cách thái quá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự hiệu quả đầu tư vì những cảm xúc tiêu cực như nỗi sợ hãi mà tin tức gây ra có thể dẫn đến những quyết định vội vã trái ngược với các nguyên tắc đầu tư và từ đó, gây thiệt hại đáng tiếc. Tương tự, những tin tức tiêu cực được cập nhật hàng giờ về dịch Covid-19 ở Việt Nam trong thời gian qua đã gieo rắc sợ hãi và gây cuồng loạn của một phần dân số. Tôi mong chúng ta sẽ tìm cách để kiểm soát cảm xúc trước cơn bão tin tức đáng lo ngại bủa vây ta.
Người Serbia có tục ngữ ''na muci se poznaju junaci'', tôi tạm dịch là ''thời khó khăn chứng tỏ người hùng''. Trong thời kỳ khó khăn hiện nay, chúng ta quên rằng ông bà tổ tiên của ta đã phải trải qua những nỗi khó khăn và vượt qua những nghịch cảnh lớn hơn rất nhiều. Chẳng hạn, ông ngoại của tôi đã sống sót qua trại tập trung Đức Quốc Xã trong Thế chiến thứ hai. Một người thân của gia đình tôi đã tham gia ba chiến tranh ở tập niên 90 khi Nam Tư cũ chìm vào nội chiến. Bản thân tôi đã chứng kiến vụ đánh bom của NATO kéo dài 78 ngày vào năm 1999 khi cả dân số phải ẩn nấp tại những hầm tránh bom, sống trong trạng thái lo sợ triền miên.
Kinh nghiệm đời sống đã củng cố sự lạc quan và niềm tin trong tôi, và tôi biết rằng người Việt sẽ tìm đủ sức lực để chung tay chống dịch bệnh và vượt qua các hậu quả về kinh tế mà nó sẽ gây ra.
Sự kiên quyết của người Việt Nam là điều mà lịch sử đã chứng minh nhiều lần rồi. Và khi tôi quyết định chọn Việt Nam làm quê thứ hai, một trong những lý do cũng là sự tin tưởng vững chắc mà tôi đặt vào dân tộc Việt Nam.
Marko Nikolic