Vietstock - Phó thống đốc: Luật mới tạo điều kiện để công chúng giám sát ngân hàng
Phó thống đốc Đoàn Thái Sơn đánh giá Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi tạo điều kiện để công chúng giám sát hoạt động thao túng, lạm dụng của ngân hàng.
Chia sẻ tại họp báo công bố Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi sáng 19/2, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết mục tiêu xuyên suốt khi xây dựng luật là hạn chế việc lạm dụng, thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng từ cổ đông lớn và nhóm cổ đông lớn.
Quá trình cụ thể hóa nguyên tắc này được cơ quan soạn thảo thể hiện qua nhiều quy định. Bên cạnh mục tiêu siết chặt kỷ luật kỷ cương, mục tiêu trung gian là đại chúng hóa hoạt động của tổ chức tín dụng. Vì vậy, Luật cũng mở rộng khái niệm "người có liên quan" trong xác định sở hữu cổ phần chính thông qua "mối quan hệ về lợi ích" hoặc hoạt động sở hữu; quản trị điều hành nhằm tránh việc chi phối việc cấp tín dụng.
Luật mới cũng yêu cầu phải công khai họ tên cá nhân, tổ chức là cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ cùng người có liên quan lên website ngân hàng. Định kỳ hàng năm, tổ chức tín dụng công bố những thông tin này với Đại hội đồng cổ đông, Đại hội thành viên, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng.
"Như vậy, quy định mới tạo ra kênh giám sát từ công chúng trong đó có cả phương tiện truyền thông với người chủ sở hữu cũng như người quản trị điều hành của tổ chức tín dụng", Phó thống đốc nói.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn trả lời tại họp báo. Ảnh: Hoàng Phong |
Luật mới đã giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức, của nhóm cổ đông và người có liên quan; quy định lộ trình 5 năm giảm dần giới hạn cấp tín dụng.
Nói thêm về các biện pháp minh bạch hóa hoạt động của ngân hàng, ông Sơn cho biết Luật tập trung nâng cao chuẩn quản trị điều hành; hạn chế việc tham gia quản trị điều hành của người liên quan. Luật mới cũng giới hạn việc cấp tín dụng tối đa cho khách hàng theo lộ trình 5 năm và giảm dần.
Ông Sơn cho biết việc siết chặt các quy định tại Luật mới chỉ là biện pháp về kỹ thuật, quan trọng nhất vẫn là khâu tổ chức thực hiện. "Quá trình triển khai có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan để các quy định được thực hiện nghiêm trong thực tiễn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm", ông Sơn nói.
Luật Các tổ chức tín dụng gồm 15 chương, 210 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, giải thể, chấm dứt hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Luật cũng quy định việc thành lập, hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ.
Sơn Hà