Vietstock - Cần "án lệ" cho đa cấp bất động sản
Những sai phạm trong việc mua bán, huy động vốn vào bất động sản cần được kiên quyết xử lý để gạn đục khơi trong, giữ ổn định cho thị trường này.
Xe ủi và xe cuốc phá bỏ đường giao thông xây trái phép trong một khu đất Công ty CP địa ốc Alibaba (NYSE:BABA) huy động vốn đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu (sáng 22-7) - Ảnh: ĐÔNG HÀ
|
Sau nhiều thông tin tiêu cực trên báo chí, giữa tháng 7 vừa qua, CEO (HN:CEO) của Công ty CP địa ốc Alibaba lại tiếp tục "đăng đàn" trên mạng với nội dung "Đất nền sinh lợi 100 lần...". Ông này còn khoe về đất rộng gần sân bay Long Thành, rằng "năm năm nữa tụi em giàu nhất khu vực này rồi (!?)"... Một doanh nghiệp có nhiều sai phạm đến nay vẫn... sống khỏe!
Có lẽ, cụm từ "đa cấp bất động sản" đã không còn xa lạ với chúng ta chục năm qua. Bất động sản là sản phẩm sinh lợi cao và là một kênh được nhiều người lựa chọn đầu tư vốn liếng. Đánh vào tâm lý chạy theo lợi nhuận khủng của nhiều người, các lớp dạy làm giàu từ đầu tư bất động sản ra đời.
Sẽ là bình thường nếu như những diễn giả có kiến thức chuyên môn bài bản về bất động sản và truyền đạt kiến thức hữu ích ấy cho mọi người học.
Ngược lại, khuếch đại, phô trương khả năng và lôi kéo học viên dưới mọi hình thức là những gì chúng ta đã và đang thấy trong vài năm trở lại đây... Tiếp sau đó là nước mắt và những vụ kiện từ những người góp vốn. Báo chí đã lên tiếng và cơ quan công an cũng đã xử lý vài trường hợp.
Mô hình đa cấp bất động sản huy động vốn hàng trăm nhà đầu tư với số vốn huy động nghìn tỉ đồng từ năm 2017 đến nay của công ty vẫn "bình yên vô sự" sau nhiều vụ lùm xùm kiện thưa đã được công luận phản ánh.
Mô hình này không thể kéo dài mãi vì lượng tiền và giá trị sinh lời có giới hạn, khi giới hạn này mất đi, người huy động vốn "biến mất" hoặc mất khả năng tài chính, thiệt hại cho những người góp vốn sẽ nặng nề. Nhất là khi Alibaba triển khai dự án, họ không nhân danh chính chủ đầu tư, cũng không phải nhà môi giới, mà nhận ủy quyền thực hiện từ cá nhân là chủ đất.
Công ty địa ốc này huy động vốn từ các nhà đầu tư để đầu tư vào sản phẩm bất động sản mà họ không phải là nhà đầu tư hay nhà phát triển dự án. Nói cách khác, họ huy động vốn để đầu tư vào một sản phẩm (về pháp lý) không phải của họ, do vậy sản phẩm ấy hoàn toàn không đủ điều kiện để lập dự án đầu tư và kinh doanh bất động sản.
Huy động vốn của các nhà đầu tư để đầu tư vào những "dự án" chưa được pháp luật công nhận thì họ có sai luật không? Có vi phạm pháp luật không? Họ huy động vốn các nhà đầu tư dưới hình thức cam kết lãi cao, trong khi bất động sản của họ trên thực tế không có khả năng sinh lãi vô hạn như vậy.
Chưa kể có vụ huy động vốn mua đất nghĩa trang, như vậy làm sao có thể có sổ đỏ để làm dự án? Có vụ vốn huy động vào đất cá nhân, không phải của doanh nghiệp, vì vậy không thể lập dự án kinh doanh. Liên quan đến địa ốc Alibaba, đã có quá nhiều vụ kiện thưa, tố cáo (có tên tuổi địa chỉ cụ thể), báo chí cũng phản ánh rất nhiều. Cơ quan chức năng đã vào cuộc.
Nhiều nhà phân tích tài chính, các luật sư, báo chí, dư luận xã hội đều đã nêu phản ánh rõ các vi phạm trong việc huy động vốn của công ty này. Dư luận đang trông chờ kết luận từ cơ quan điều tra sau những sự việc liên quan đến kiểu huy động vốn của công ty này.
NGUYỄN PHẠM HỮU HẬU