Theo Dong Hai
Investing.com - Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp của Bộ Công Thương vừa công bố cho thấy chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 ước giảm hơn 4% so với tháng 7 và giảm hơn 7% so với cùng kỳ năm trước, do dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm mạnh nhất, hơn 9%, tiếp đến là khai khoáng, giảm hơn 2%. Trong khi đó, sản xuất và phân phối điện; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải lại tăng dù không cao.
Trái ngược với tháng 8, IIP trong 8 tháng đầu năm ước tăng gần 6% so với cùng năm trước. Tuy vậy, nếu so với 2019, chỉ số IIP tháng 8 vẫn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng gần 10%. Cụ thể, chế biến chế tạo; sản xuất và phân phối điện, tăng mạnh nhất, ở mức 7% và gần 7%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng hơn 4%; riêng ngành khai khoáng lại giảm hơn 6%.
Mức giảm của chỉ số sản xuất công nghiệp tại tỷ lệ thuận với mức độ giãn cách xã hội tại các địa phương trong tháng 8. Trong đó, Bến Tre và Đồng Tháp đều giảm mạnh nhất, ở ngưỡng 60%, tiếp đến là TP HCM (HM:HCM), giảm hơn 49%. Theo sau đó là các địa phương thuộc 19 tỉnh phía Nam áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 như Vĩnh Long, Tây Ninh và Hậu Giang với mức giảm gần 30% đến gần 41%. Đây cũng là những địa phương có số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận nhiều nhất trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đang diễn ra.
Trong khi đó, một số địa phương lại ghi nhận chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, trong đó Hải Phòng dẫn đầu, với mức tăng hơn 21%, tiếp đến là Hà Nam, tăng gần 19%. Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình là 3 địa phương có mức tăng gần 16% đến gần 18%. Đáng chú ý đây cũng là những địa phương không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua.
Bộ Công Thương đánh giá nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn đang trong xu hướng phục hồi trở lại, trong đó Mỹ và EU tái mở cửa nền kinh tế nhờ tiến trình tiêm vaccine Covid-19 được triển khai rộng rãi, tác động tích cực tới nhu cầu hàng hóa. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 trong nước, đặc biệt TP HCM và 19 tỉnh thành phía Nam đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu từ tháng 7 đến nay. Do đó, tăng trưởng sản xuất và xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tiến trình tiêm chủng vaccine Covid-19 trên toàn quốc.
Ngoài ra, Bộ Công Thương còn cho rằng theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm dần vào cuối năm trong khi xuất khẩu tăng trong những tháng cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao phục vụ cho mùa tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, đồ gỗ, hàng dệt may, da giày và thủy sản… Vì vậy, cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện dần trong thời gian tới.