Giảm 40%
Mới! 💥 Dùng ProPicks để xem chiến lược đã đánh bại S&P 500 tới 1,183%+Nhận ƯU ĐÃI 40%

Môi trường kinh doanh năm 2018: Bốn xu hướng nổi bật

Ngày đăng 16:25 21/01/2018
Cập nhật 13:40 21/01/2018
Môi trường kinh doanh năm 2018: Bốn xu hướng nổi bật

Vietstock - Môi trường kinh doanh năm 2018: Bốn xu hướng nổi bật

Từ những tín hiệu tích cực trong năm 2017, dự báo năm 2018 này sẽ là năm tiếp tục có những chuyển biến lớn đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam. Chính phủ đặt ra mục tiêu tham vọng đưa môi trường kinh doanh Việt Nam so sánh được với các nước đứng đầu khu vực ASEAN.

Cải cách giấy phép kinh doanh và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh là một trong bốn xu hướng nổi bật trong năm 2018. Ảnh: Thành Hoa

Từ quan sát chuyển động chính sách trong năm 2017, tôi dự báo rằng năm 2018 môi trường kinh doanh Việt Nam có bốn xu hướng lớn.

Cải cách giấy phép kinh doanh và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh

Lần đầu tiên, báo cáo rà soát độc lập về giấy phép kinh doanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) được đưa vào thảo luận tại cuộc họp Chính phủ tháng 8-2017 và sau đó đã góp phần thúc đẩy chuyển biến lớn tại các bộ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao soạn thảo nghị định về tiêu chuẩn điều kiện kinh doanh và kiểm soát việc ban hành mới điều kiện kinh doanh. Bộ Công Thương công bố kế hoạch cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh trong tổng số 1.216 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ này (cắt giảm khoảng 55%). Hiện Dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định để cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương đã được trình Chính phủ, dự kiến sẽ được ban hành trong năm 2018.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện kinh doanh (gồm bãi bỏ 65 và sửa đổi 53 điều kiện), chiếm 34,2% trong tổng số 345 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của mình. Bộ Xây dựng đề xuất bãi bỏ sáu ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư (tuy nhiên Bộ Tư pháp đã đề nghị giữ lại hai ngành nghề). Bộ Xây dựng đề xuất bãi bỏ 89 điều kiện (41,3% trong tổng số 215 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng); đơn giản hóa 94 điều kiện (43,7%). Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã thực hiện rà soát điều kiện kinh doanh, đề xuất cắt giảm, sửa đổi 51 điều kiện kinh doanh (đạt 16%).

Dù các bộ, ngoại trừ Bộ Công Thương, đều chưa có phương án sửa đổi cụ thể nhưng dự kiến sẽ có chuyển động quan trọng trong năm 2018. Các bộ, ngành khác chắc chắn cũng sẽ có chuyển động nhất định khi Chính phủ đã chỉ thị rõ “tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất một phần ba đến một nửa số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp” tại Nghị quyết 83 và Nghị quyết 98/2017.

Cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành

Thủ tục kiểm tra chuyên ngành thời gian qua được đánh giá là phức tạp, tốn kém cho doanh nghiệp. Chỉ riêng về số văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đã rất lớn. Theo thống kê của cơ quan hải quan, đến cuối năm 2017, có đến khoảng 430 văn bản liên quan đến quản lý và kiểm tra chuyên ngành.

Lĩnh vực này năm qua dù đã có một số chuyển biến nhưng quá trình cải cách còn ít và chậm. Tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan theo cơ quan hải quan vẫn ở mức cao (từ 30-35%). Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giảm tỷ lệ này xuống còn 15%. Nghị quyết 19 của Chính phủ ban hành nhiều năm qua đã nêu rõ định hướng cải cách quản lý chuyên ngành theo hướng thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu.

Năm 2017, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều buổi làm việc trực tiếp với từng bộ, ngành, trong đó tập trung vào lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành. Các bộ, ngành đều đưa ra chương trình cải cách, định hướng thay đổi tích cực như bỏ cách kiểm tra toàn bộ lô hàng, chuyển sang cách quản lý dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro, mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; chuyển trọng tâm kiểm tra từ giai đoạn thông quan sang giai đoạn sau thông quan; minh bạch về danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành; điện tử hóa thủ tục; tích cực áp dụng thông lệ quốc tế; xã hội hóa và giảm độc quyền trong dịch vụ xét nghiệm, kiểm định.

Bộ Khoa học và Công nghệ được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát và loại bỏ ít nhất 50% số mặt hàng trong danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc diện kiểm tra nhà nước trước khi thông quan của 12 bộ chuyên ngành. Trong quí 4-2017 vừa rồi, bộ này đã làm việc với các bộ, ngành khác để rà soát và đã thống nhất được phương án loại bỏ.

Theo kế hoạch, tất cả các chuyển động nêu trên sẽ bắt đầu có hiệu ứng thực tế vào năm 2018 và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu kỳ vọng sẽ được hưởng lợi.

Giảm chi phí và giảm thanh tra, kiểm tra

Điều được nhiều doanh nghiệp phản ánh trong nhiều năm qua và năm 2017 là chi phí kinh doanh tại Việt Nam đang cao và tăng nhanh. Mức lương tối thiểu tăng nhanh trong nhiều năm qua, tăng nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động, kéo theo đó là gánh nặng đóng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phí công đoàn. Các khoản đóng quỹ này còn tăng nhanh từ năm 2018 này vì mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội được tính theo tiền lương thực tế. Lưu ý là mức đóng bảo hiểm xã hội và các khoản của Việt Nam đang cao gấp đôi so với nhiều nước trong khu vực ASEAN.

Việt Nam là quốc gia xuất nhập khẩu lớn nhưng chi phí logistics của Việt Nam cao và kém cạnh tranh so với nhiều nước. Điều này do hạ tầng chưa đáp ứng tốt, phí vận tải đường bộ (nhất là phí BOT) tăng mạnh những năm gần đây, hay có thêm các khoản phí phát sinh như phí hạ tầng cảng biển của Hải Phòng ban hành từ đầu năm 2017.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt doanh nghiệp trong tháng 5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã chọn năm 2017 là năm giảm chi phí. Một số cơ quan đã có chương trình, kế hoạch cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, tuy nhiên mức độ vào cuộc của các bộ, ngành chưa thật rộng rãi. Nổi bật nhất có lẽ là việc Bộ Tài chính đang dự thảo sửa đổi hơn 40 thông tư cắt giảm phí và lệ phí. Các thông tư này dự kiến sẽ được ban hành trong năm nay, hy vọng rằng năm 2018 sẽ có thêm nhiều chương trình hành động cụ thể nữa để giảm các chi phí cho doanh nghiệp.

Ngày 17-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị 20 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, trong đó yêu cầu không thanh tra, kiểm tra quá một lần/năm với doanh nghiệp, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật; không thanh tra, kiểm tra trùng lặp, chồng chéo; thanh tra, kiểm tra đúng kế hoạch, đúng phạm vi cho phép. Việc hạn chế, kiểm soát chặt chẽ hơn công tác thanh tra, kiểm tra đang được nhiều địa phương Việt Nam triển khai, hy vọng sẽ có những hiệu ứng ngay trong năm 2018.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Điều ấn tượng trong năm 2017 vừa qua là xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin và điện tử hóa thủ tục hành chính mạnh mẽ trong các ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước. Nhiều lĩnh vực đang được thay đổi theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin triệt để, giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục cho doanh nghiệp và người dân, thay đổi cách thức quản lý nhà nước và đảm bảo hiệu quả quản lý tốt hơn cũng như từng bước tạo lập môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch.

Dự thảo nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính mà Bộ Tài chính đang chủ trì soạn thảo, đưa ra thảo luận có lẽ là ví dụ điển hình. Chính sách mới trong thời gian tới là chấp nhận chứng từ điện tử là chứng từ gốc, việc kiểm tra chứng từ của các cơ quan pháp luật như quản lý thị trường, thanh tra, biên phòng, hải quan… cũng thực hiện theo phương thức điện tử.

Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đang có tham vọng thay thế hơn 4 tỉ hóa đơn in giấy mỗi năm hiện nay thành hóa đơn điện tử có xác thực của ngành thuế trong hơn một năm tới theo nghị định thay thế Nghị định 51/2010/NĐ-CP về hóa đơn điện tử. Lộ trình áp dụng dự kiến bắt đầu từ năm 2019 nhưng năm 2018 này là năm phải có những chuẩn bị về hạ tầng pháp lý và hạ tầng kỹ thuật cho bước thay đổi lớn này. Nếu thực hiện được, cơ quan quản lý thuế sẽ rất thuận lợi trong quản lý, giúp giảm thất thu thuế. Những doanh nghiệp làm ăn minh bạch, hệ thống tài chính chuẩn mực sẽ có lợi thế tiết kiệm nhiều chi phí, giảm rủi ro nhưng chính sách này sẽ là thách thức rất lớn cho rất nhiều doanh nghiệp khác.

Đậu Anh Tuấn

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.