Vietstock - Luật Công nghiệp Công nghệ số sẽ giúp định nghĩa tài sản số
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhiều người sở hữu thu nhập và khối tài sản lớn từ các giao dịch tài sản số, nhưng nhiều giao dịch không thể thu thuế được. Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số với nhiều điểm nổi bật về quản lý, hành lang pháp lý, đặc biệt là lần đầu tiên định nghĩa được tài sản số là gì sẽ góp phần giải quyết câu chuyện này.
Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn
|
Theo đó, dự thảo luật khẳng định: "Tài sản số là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối mà con người có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan".
Đây là lần đầu tiên tài sản số được định nghĩa, mà theo ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ tại Tọa đàm "Chính sách thuế - tài sản số và trách nhiệm của doanh nghiệp" tổ chức vào chiều ngày 21/08, sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề. Trong đó có vấn đề về thuế.
“Trước hết chúng ta phải khẳng định tài sản số không bị pháp luật cấm giao dịch, cấm sở hữu hay cấm đề cập đến. Người dân, doanh nghiệp được làm những việc mà pháp luật không cấm. Nhưng sẽ phát sinh một điều, mặc dù có giao dịch, có thu nhập từ giao dịch ấy nhưng chúng ta không thu thuế được” – ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
“Có những người sở hữu tài sản ấy, nhiều người thu nhập rất lớn, mà về nguyên tắc một người đang sinh sống ở Việt Nam phải có trách nhiệm đóng thuế phần thu nhập”.
Ông Tuấn cho biết, hiện tại có những giao dịch liên quan đến tài sản số, mà về nguyên tắc, các giao dịch ấy cũng như các hàng hóa khác phải nộp thuế.
“Chúng ta có thuế VAT, đối với lĩnh vực này, nếu đây được coi là tài sản thì Nhà nước có thể thu thuế giao dịch, thuế thu nhập. Chúng tôi cho rằng đây cũng là nhu cầu rất chính đáng từ thực tiễn.
Nhưng cái khó không chỉ ở Việt Nam mà các nước đang phải đối mặt là phải định nghĩa nó là gì. Tôi quan sát kinh nghiệm các nước, cách các nước tiếp cận rất đa dạng, khác nhau. Có nước xem đây như một loại chứng khoán, có nước xem đây là một loại tài sản đặc biệt, có nước xem là một tài sản hỗn hợp. Nghĩa là cách tiếp cận của mỗi quốc gia khác nhau. Vậy phản ứng của Việt Nam như thế nào?” – ông nói tiếp.
Ông Tuấn tn rằng, cách tiếp cận hiện tại của Việt Nam là phải ghi nhận tài sản số, còn việc định hình nó, phân loại ra sao… phải từng bước một.
“Cách tiếp cận của Luật Công nghiệp công nghệ số theo tôi cũng phù hợp. Chúng ta quy định chung một khái niệm, sau đó bằng những văn bản dưới Luật, có thể là Nghị định, có thể là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bằng nhiều hình thức văn bản tương đối nhanh, linh hoạt để dần dần điều chỉnh. Từ nhu cầu thực tiễn, từ kinh nghiệm của các nước như anh Trung phân tích, khi thực tiễn đã chứng minh rằng đây là một nhu cầu lớn, diễn ra tương đối phổ biến trong thực tiễn thì đã đến lúc chúng ta phải có một khuôn khổ pháp lý và tiến hành hoạt động thu thuế”.
Hải Âu