Vietstock - OECD nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu lên cao nhất trong 6 năm
Mặc dù mối lo lắng về nền kinh tế toàn cầu tiếp tục khiến nhà đầu tư kinh sợ, nhưng OECD – có trụ sở ở Paris, Pháp – lại dự báo rằng nền kinh tế toàn cầu đang chuẩn bị tăng trưởng nhanh nhất trong gần 6 năm, nhưng cảnh báo các quốc gia cần phải cố gắng làm tốt hơn nữa, CNBC cho hay.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3.5% trong năm 2017 và lên mức 3.6% trong năm 2018, khi tâm lý tự tin của nhà đầu tư ngày càng tăng và hoạt động đầu tư và thương mại đang được cải thiện.
“Có lẽ nhà đầu tư đang lạc quan nhiều hơn so với năm trước”, Catherine Mann, Chuyên gia kinh tế trưởng tại OECD, nói với CNBC trong ngày thứ Tư. “Những gì chúng tôi thấy được là một vài đà tăng mang tính chu kỳ ở khắp nơi về cả phương diện lượng tiêu thụ, đầu tư và thành quả của thị trường lao động”.
Tuy nhiên, bà nói thêm cần phải thực hiện nhiều bước tiến hơn để đảm bảo cho các dự báo tăng trưởng bền vững.
“Chúng tôi không nghĩ là mình có thể yên tâm rằng những sự cải thiện đó sẽ mang tính lâu dài. Chúng tôi vẫn chưa thấy tăng trưởng tiền lương thực, và cũng không nhận thấy sự cải thiện của tăng trưởng năng suất lao động. Và cho đến khi nhận thấy được 2 điều trên, chúng tôi không cho là sẽ có một sự phục hồi bền vững trong tương lai”.
Hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế Mỹ
Mặc dù OECD nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2017, nhưng lại hạ ước tính đối với Mỹ, bất chấp việc đồng USD yếu hơn sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu và các đợt cắt giảm thuế sẽ hỗ trợ hoạt động kinh doanh hộ gia đình. Cụ thể, tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng Mỹ xuống 2.1% trong năm nay và 2.4% trong năm 2018, thấp hơn mức ước tính hồi tháng 3 là 2.4% và 2.8%.
Mann cho rằng việc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ là do sự trì hoãn trong tiến trình thông qua các kế hoạch giảm thuế và gia tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Tiến tình thực hiện những thay đổi trong chính sách tài khóa về cả chi tiêu lẫn thuế suất đã bị trì hoãn, và như vậy, chúng ta phải trì hoãn một số biện pháp kích thích đến tận năm 2018”, bà cho biết.
Trong khi đó, dự báo tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) sẽ là 1.8% cho cả năm nay và năm 2018, cao hơn dự báo trước đó là 1.6%. Lý do nâng dự báo ở châu Âu xuất phát từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của Đức – nền kinh tế lớn nhất eurozone.
Trong báo cáo của mình, OECD cũng lên tiếng cảnh báo về các lỗ hổng tài chính, các cú sốc địa chính trị và biện pháp bảo hộ thương mại.
Chính sách tiền tệ có bước tiến hợp lý
Tuy nhiên, ở Mỹ, chính sách tiền tệ đang có những bước tiến hợp lý hướng về lập trường trung lập, còn châu Âu và Nhật Bản đang sử dụng định hướng thị trường tiền tệ (forward guidance). Tuy nhiên, một phương pháp tiếp cận chính sách phối hợp với nhau là cần thiết để làm cho toàn bộ hệ thống làm việc tốt hơn cho nhiều người hơn, OECD cho biết.