Vietstock - Cú đổ đèo lớn nhất trong lịch sử chứng khoán vẫn chưa có điểm dừng
10 năm sau khi chạm đỉnh vào ngày đầu tiên ra mắt trên sàn chứng khoán Thượng Hải, vốn hóa của PetroChina đã mất gần 800 tỷ USD – một lượng đủ lớn để mua mọi công ty niêm yết trên sàn chứng khoán của Italy hoặc có thể phủ quanh Trái đất 31 lần bằng tờ tiền 100 USD.
Xét trên phương diện đồng USD, đây là đợt sụt giảm vốn hóa lớn nhất trên thế giới, và vẫn chưa có điểm dừng. Nếu các ước tính do Bloomberg thu thập là chính xác thì cổ phiếu của PetroChina trên sàn Thượng Hải sẽ giảm thêm 16% xuống mức thấp nhất mọi thời đại trong vòng 12 tháng kế tiếp.
Nguyên nhân khiến PetroChina lao dốc không phanh xuất phát từ những lần thay đổi chính sách kinh tế lớn nhất của Trung Quốc trong thập kỷ vừa qua, bao gồm việc Trung Quốc dần rời xa mô hình phát triển dựa trên sản xuất hàng hóa và Chính phủ nước này cố gắng kiểm soát cơn sốt đã biến PetroChina thành công ty ngàn tỷ USD đầu tiên trên thế giới trong năm 2007.
Cùng với đó là đà tụt dốc 44% của giá dầu trong 10 năm qua, và các kế hoạch thúc đẩy xe điện đầy tham vọng của ông Tập Cận Bình, thì cũng dễ hiểu tại sao các chuyên gia phân tích lại tỏ qua bi quan về triển vọng của PetroChina. Góp phần gia tăng thêm quan điểm bi quan là cổ phiếu PetroChina đang giao dịch ở mức cao gấp 36 lần thu nhập ước tính trong 12 tháng, hơn 53% so với các công ty tương tự trên toàn cầu.
Toshihiko Takamoto, Chuyên gia quản lý tiền tệ ở Asset Management One có trụ sở tại Singapore, cho hay: “Khoảng thời gian khó khăn vẫn đang chờ đợi PetroChina. Ai lại muốn mua cổ phiếu này khi nó được giao dịch cao gấp 30 lần thu nhập?”.
Dĩ nhiên, có nhiều yếu tố đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của PetroChina. Khi Công ty mới niêm yết lên sàn Thượng Hải trong năm 2007, các bong bóng ở lĩnh vực dầu và thị trường cổ phiếu Trung Quốc chuẩn bị nổ tung, và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng sắp tới. So với đà sụt giảm 73% của chỉ số CSI 300 Energy Index của Trung Quốc trong thập kỷ vừa qua, thì đà lao dốc 82% của PetroChina cũng không quá tồi tệ.
Và như Nelson Wang, Chuyên gia phân tích của Citigroup, chỉ ra đa số cổ phiếu PetroChina đều do Chính phủ Trung Quốc sở hữu, vì thế tác động đến các nhà đầu tư thiểu số vẫn chưa quá lớn.
Trên sàn Hồng Kông – nơi PetroChina niêm yết lần đầu tiên trong tháng 4/2000, các cổ đông vẫn đang tận hưởng đà tăng mạnh trong dài hạn. Những cổ phiếu loại H (H-shares) của PetroChina đã tăng 735% so với ngày ra mắt trên sàn, vượt trội hơn 500% so với chỉ số Hang Seng.
Cổ phiếu loại H – vốn chiếm gần 12% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của PetroChina và giao dịch ở mức giá thấp hơn so với cổ phiếu ở sàn Thượng Hải – có thể tăng thêm 31% trong năm kế tiếp, dựa trên mức giá mục tiêu mới nhất của Laban Yu, Chuyên gia phân tích tại Jefferies Group LLC, cho hay.
Giá của cổ phiếu cũng là một lý do để tỏ ra bi quan. Thậm chí sau khi lao dốc, tỷ lệ P/E forward của PetroChina ở sàn Thượng Hải vẫn cao hơn 80% so với mức bình quân trong quá khứ.
Ngoài ra, nhà đầu tư hiện nay tỏ ra yêu thích các cổ phiếu trong ngành công nghệ và tiêu dùng hơn. Chủ tịch Tập Cận Bình – người vừa củng cố vị thế nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc tỏng vài thập kỷ tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tuần trước – đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tăng trưởng thân thiện với môi trường hơn. Chính quyền của ông đang triển khai một trong những chương trình xe điện lớn nhất của thế giới và đã cam kết kìm hãm lượng khí thải carbon đến năm 2030.
Nguồn: Bloomberg
|
Đối với Andrew Clarke, Giám đốc Bộ phận Giao dịch tại Mirabaud Asia ở Hồng Kông, điều này góp phần tạo nên triển vọng bất ổn cho công ty dầu quốc doanh của Trung Quốc. Khi được hỏi liệu có khi nào cổ phiếu PetroChina sẽ trở về đỉnh năm 2007 hay không, ông Clarke cho biết: “Có thể là một ngày nào đó”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)