Vietstock - Vì sao tiền mặt vẫn là "vua" ở Nhật Bản?
Từng tiên phong trong giao dịch không tiền mặt, Nhật Bản nay đang tụt lại phía sau vì dân số đang già hóa của nước này vẫn ưa chuộng tiền mặt hơn.
Tiền giấy được ưa chuộng ở Nhật - Ảnh: REUTERS |
Theo Hãng tin AFPngày 21-8, có đến 4 trong số 5 giao dịch tại Nhật vẫn được thực hiện bằng tiền mặt, dù quốc gia này được mệnh danh là đất nước của các cải tiến hướng đến tương lai.
Trong khi đó, các nền kinh tế lớn khác đang ngày càng phát triển loại hình thanh toán điện tử. Hàn Quốc có khoảng 90% giao dịch được thực hiện bằng phương thức thanh toán điện tử. Thụy Điển cũng đặt mục tiêu trở thành xã hội không tiền mặt vào khoảng năm 2023.
AFP cho rằng người dân Nhật Bản có thể cảm thấy thoải mái hơn khi mang theo tiền mặt trong người vì đất nước này vốn có rất ít tội phạm.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào mặt khác của vấn đề, Nhật Bản đang dần trở thành xã hội "siêu già" đầu tiên của thế giới với hơn 28% dân số từ 65 tuổi trở lên.
Điều này cũng khiến việc thuyết phục người tiêu dùng ở đây thử các công nghệ mới trở nên khó khăn hơn, theo chuyên gia phân tích Yuki Fukumoto của Viện Nghiên cứu NLI.
Ông Fukomoto khẳng định "thách thức hiện nay là làm sao khuyến khích được người dân" thay đổi thói quen của họ.
Đây thật sự là thách thức lớn đối với Nhật Bản. Quốc gia này hiện có hơn 200.000 cây ATM và đa số các cửa tiệm nhỏ chỉ nhận tiền mặt để tránh phí giao dịch.
Bên cạnh đó, nhiều nơi đã bỏ sử dụng thanh toán điện tử sau khi doanh nghiệp bán lẻ khổng lồ Seven & I, chủ của chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven, bị tấn công mạng. Vụ việc xảy ra không lâu sau khi Seven & I áp dụng hệ thống trả tiền bằng mã QR. Hãng đã buộc phải bỏ kế hoạch đó đi, theo AFP.
Dân số già hóa khiến Nhật Bản gặp khó khăn trong việc phổ biến các phương thức thanh toán điện tử - Ảnh: AFP |
Hướng tới thay đổi
Hiện nay, thẻ thanh toán sử dụng cho các phương tiện công cộng ở thủ đô Tokyo, cùng các thành phố khác của Nhật, còn được tích hợp thanh toán cho cả các máy bán hàng tự động hoặc cửa hàng tiện lợi. Thế nhưng, người dân vẫn chủ yếu dùng tiền mặt cho các giao dịch khác.
Chính phủ Nhật Bản đang kỳ vọng có thể tận dụng được làn sóng du khách nhân kỳ Olympic 2020, để nhân đôi lượng giao dịch điện tử lên 40% cho tới năm 2025.
Tokyo còn lên kế hoạch tung ra hệ thống tích điểm thưởng cho những người tiêu dùng sử dụng công cụ thanh toán không tiền mặt.
Theo một nghiên cứu của Boston Consulting Group, chính phủ nước này có thể còn bận tâm tới cả các chi phí phát sinh từ việc phụ thuộc vào tiền mặt. Boston Consulting Group ước tính Nhật Bản chi khoảng 18 tỉ USD để bảo trì các cây ATM, cũng như bảo vệ các xe chở tiền đi khắp nơi.
Khối doanh nghiệp Nhật cũng đang nỗ lực để phát triển một xã hội không tiền mặt. Vào đầu 2019, Hãng điện thoại Rakuten đã mở những sân vận động "100% không tiền mặt" cho các đội bóng chày và bóng bầu dục.
NGUYÊN HẠNH