Nguy cơ giảm phát tại Trung Quốc ngày càng tăng cao khi các doanh nghiệp "chạy đua" giảm giá. Quốc tếDoanh nghiệp Trung Quốc đua nhau giảm giá để tồn tạiThủy Tiên • {Ngày xuất bản}Nguy cơ giảm phát tại Trung Quốc ngày càng tăng cao khi các doanh nghiệp "chạy đua" giảm giá.
Sau khi chính quyền Trung Quốc dỡ bỏ các chính sách chống dịch Covid nghiêm ngặt hồi đầu năm nay, ông Nie Xingquan dự đoán doanh số bán giày da thủ công của mình sẽ tăng lên. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ thấp, ông phải giảm giá 3% so với năm trước.
Việc nhu cầu và lợi nhuận sụt giảm đối với ông Nie nói riêng và doanh nghiệp Trung Quốc nói chung là dấu hiệu cảnh báo về áp lực giảm phát "bủa vây" nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, theo Bloomberg. Xu hướng này còn có khả năng làm suy yếu các kế hoạch kích cầu của Bắc Kinh nếu người tiêu dùng chọn cách trì hoãn chi tiêu.
Vật lộn để tồn tại
Công ty Italy Elsina Group Co. của ông Nie phục vụ chủ yếu cho các nhà bán lẻ và người tiêu dùng nội địa, cũng đang trải qua thời kỳ kinh doanh sa sút kể từ tháng 2 năm nay.
Sau những khó khăn tài chính do Covid-19 gây ra, các nhà bán lẻ đang cố gắng bán hết hàng tồn kho tích lũy trước đó với kỳ vọng doanh thu sẽ tăng lên, thay vì đặt các đơn hàng mới.
Giới phân tích dự đoán chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Trung Quốc sẽ sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2021. |
Trong khi Mỹ và các nước phương Tây đang đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao sau khi mở cửa nền kinh tế trở lại, thì Trung Quốc lại đang trải qua giai đoạn giá cả suy giảm.
Xu hướng này thể hiện rõ ràng cả trong sản xuất và bán lẻ, giá hàng hóa như than đá và dầu thô tiếp tục giảm, đẩy giá sản xuất tại Trung Quốc liên tục sụt giảm so với cùng kỳ năm trước kể từ tháng 10/2022.
Chỉ số điều chỉnh GDP (thước đo giá cả của mọi hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế) cho thấy Trung Quốc đã rơi vào thời kỷ giảm phát. Theo định nghĩa của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), giảm phát là sự sụt giảm kéo dài trong thước đo tổng hợp về giá cả, chẳng hạn như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hay chỉ số điều chỉnh GDP.
Sự suy giảm giá tiêu dùng hiện nay đáng lo ngại hơn so với giai đoạn cuối năm 2020 và đầu năm 2021, bởi khi đó nguyên nhân chủ yếu là do giá thịt lợn giảm.
Giá xuất khẩu giảm mạnh nhất trong 10 năm qua. |
Ngoài ra, cuộc cạnh tranh về giá giữa các nhà sản xuất ô tô do gã khổng lồ xe điện Tesla (NASDAQ:TSLA) khơi mào đã khiến các thương hiệu lớn khác hạ giá sâu vào đầu năm nay.
Nguy cơ giảm phát kéo dài
Nếu giá cả của nhiều loại sản phẩm tiếp tục sụt giảm trong một thời gian dài, người tiêu dùng có thể trì hoãn việc mua hàng, khiến hoạt động kinh tế đi xuống và buộc các doanh nghiệp phải tiếp tục giảm giá.
Điều này có thể dẫn đến giảm doanh thu và lợi nhuận, khiến các công ty hạn chế đầu tư và thu hẹp cơ hội việc làm. Kiểu trì trệ kinh tế này tương tự như "thập kỷ mất mát" mà Nhật Bản đã trải qua trong nhiều năm.
Rủi ro lạm phát chủ yếu ảnh hưởng đến các ngành hàng tiêu dùng như dệt may. Ông Chen Yubing, giám đốc của nhà máy sản xuất vải polyester và nylon Jiayao Textile, cho biết cạnh tranh ngày càng gay gắt trong ngành này, khiến nhiều nhà máy giảm giá và tạo ra vòng lặp tiêu cực, nhà máy của ông cũng đã phải giảm giá 5% trong năm nay mặc dù chi phí tăng.
Một trong những yếu tố khiến giá cả suy giảm là lượng hàng tồn kho tích tụ trong thời kỳ đại dịch và trong quý 1/2023 - khi tâm lý lạc quan bùng nổ vì chính quyền mở cửa trở lại nền kinh tế. Giờ đây, các doanh nghiệp lại phải đua nhau giảm giá để giảm lượng hàng tồn kho.
Lãi suất thực tăng bất chấp những biện pháp nới lỏng của Ngân hàng Trung ương. |
Bloomberg dẫn lời bà Feng cho biết các thương hiệu may mặc có tiếng từng cung cấp sản phẩm với giá bằng khoảng 40% so với giá gốc vào năm 2021 thì bây giờ họ chỉ sẵn sàng bán với giá 10%, thậm chí thấp hơn.
Trong khi một số chuyên gia kinh tế dự đoán giá tiêu dùng sẽ tiếp tục giảm trong vài tháng tới trước khi tăng trở lại vào cuối năm, thì các cuộc khảo sát lại cho thấy lạm phát năm 2023 dự kiến chỉ đạt 0,8%, đánh dấu mức tăng trưởng chậm chạp kể từ năm 2009.
Các quan chức của ngân hàng trung ương Trung Quốc đã thực hiện một số biện pháp nới lỏng, chẳng hạn như giảm dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại. Các nhà kinh tế cũng dự đoán ngân hàng trung ương sẽ giảm lãi suất chính sách 10 điểm cơ bản trong quý 3/2023.
Tuy vậy, nền kinh tế đang suy yếu có thể tiếp tục cản trở tiêu dùng hộ gia đình do lo ngại về mất việc làm và cắt giảm lương, khiến cơ quan này phải thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ hơn nữa để đối phó với áp lực giảm phát.