Vietstock - Cấp bách chống bệnh dịch tả lợn châu Phi
Liên quan đến bệnh dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị gửi chính quyền các địa phương, các bộ ngành T.Ư cấp bách triển khai các biện pháp dập, ngăn chặn dịch bệnh không để lây lan.
Cán bộ thú y phun thuốc khử trùng tại xã Yên Hòa (H.Yên Mỹ, Hưng Yên).
Ảnh: Lê Quang
|
Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị bộ đội biên phòng kiểm soát chặt chẽ tình trạng vận chuyển, nhập lậu lợn từ các tỉnh biên giới Trung Quốc ngăn chặn vi rút xâm nhiễm vào VN. Các lực lượng công an, quản lý thị trường... tăng cường kiểm tra chặt chẽ, ngăn chặn các vụ buôn bán lợn, thịt lợn, thực phẩm chế biến từ thịt lợn nhập lậu trái phép, không qua kiểm dịch...
Trao đổi với Thanh Niên ngày 21.2, ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, 177 mẫu xét nghiệm máu lấy từ 47 hộ chăn nuôi lợn xung quanh 3 ổ dịch tả heo châu Phi tại các xã Yên Hòa (H.Yên Mỹ), TP.Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên và xã Đông Đô (H.Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) cho kết quả âm tính với vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ở các địa phương đã phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện chưa ghi nhận phát sinh thêm các ổ dịch mới.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Long, quá trình giải mã gien lấy tại Hưng Yên và Thái Bình cho kết quả gien vi rút dịch tả lợn châu Phi thuộc gennotype II, tương đồng với loại vi rút dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Trung Quốc năm 2018 và tại Nga năm 2017.
Cục Thú y đã có chỉ định cho 8 phòng thí nghiệm đặt tại: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP.HCM nhận phân tích miễn phí, giải mã gien vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi. Cơ quan thú y các địa phương khi có bất cứ nghi ngờ nào trên đàn lợn, phải lấy mẫu gửi về các phòng thí nghiệm này. Khi có kết quả chính thức từ các phòng thí nghiệm này, địa phương sẽ xác định được đã có dịch hay chưa.
Ngoài kiểm soát từ các cơ quan chức năng ngăn chặn tình trạng giết mổ, bán tháo lợn chết trong vùng có dịch, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết Cục đã cử đoàn công tác xuống địa phương triển khai các biện pháp chặn dịch. Theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, hộ có lợn tiêu hủy sẽ được hỗ trợ 38.000 đồng/kg và thời gian giải quyết hồ sơ chỉ trong 15 ngày. Cục Thú y cũng đề nghị các địa phương áp dụng chính sách này, tuyên truyền vận động người dân chủ động khai báo, thông tin khi có lợn chết, lợn nghi nhiễm bệnh, không bán tháo, bán chạy lợn.
P. Hậu