Vietstock - Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Con số chỉ là con số
Dù đã đạt được những kết quả nổi bật trong năm 2018, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn đang là một con đường dài rộng và chông gai.
Năm “đồng khởi” cắt giảm điều kiện kinh doanh
2018 được xem là năm của cải cách điều kiện kinh doanh. Ngay từ đầu năm, chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh đã được Chính phủ chỉ đạo trong các Nghị quyết 01, Nghị quyết 19. Các Bộ đã đồng loạt lập phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, theo đó tỷ lệ đề xuất hầu hết đều trên 50% và tiến hành xây dựng các nghị định để hiện thực hóa.
Tính đến hết tháng 11/2018, đã có 25 nghị định về sửa đổi, cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành, sửa đổi cho 80 nghị định, trải rộng trên 15 lĩnh vực của 15 bộ, ngành, (ngoại trừ Bộ công an không có đề xuất sửa đổi).
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điểm đáng ghi nhận ở đợt rà soát lần này là những chuyển động tích cực trong tư duy của các nhà hoạch định chính sách. Những điều kiện kinh doanh trước đây, tưởng khó bị xóa bỏ thì trong đợt rà soát vừa qua cũng đã được cân nhắc, xem xét để điều chỉnh.
Một trong những điểm sáng nổi bật là có nhiều nghị định đã bãi bỏ toàn bộ điều kiện kinh doanh của một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Có thể kể đến như: Nghị định 154/2018 đã bãi bỏ hoàn toàn điều kiện kinh doanh của hoạt động kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy; Nghị định 25/2018 bãi bỏ tất cả điều kiện kinh doanh đối với cơ sở in các sản phẩm in (trừ báo, tạp chí và các ấn phẩm báo chí khác, tem chống giả); Nghị định 100/2018 bãi bỏ toàn bộ điều kiện cả đơn vị quản lí, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị, đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lí cây xanh, tổ chức tư vấn lập quy hoạch trong lĩnh vực vật liệu xây dựng…
Một điểm sáng khác là các điều kiện kinh doanh có tính chất áp đặt về quy mô cũng bị loại bỏ rất nhiều. Chẳng hạn Nghị định 87/2018 đã bỏ các điều kiện về số lượng chai LPG tối thiểu, dung tích tối thiểu của bồn chứa, hệ thống phân phối LPG theo từng cấp với số lượng tối thiểu tổng đại lí, đại lí kinh doanh LPG… Nghị định 107/2018 đã bãi bỏ các điều kiện về sức chứa tối thiểu của kho chuyên dùng (5.000 tấn thóc) công suất tối thiểu của cơ sở xay xát (10 tấn thóc/giờ) và quyền sở hữu kho hàng đối với kinh doanh xuất khẩu gạo.
Các điều kiện kinh doanh thiếu minh bạch, chung chung, mang tính định tính cũng được các bộ ngành sửa đổi hoặc cắt bỏ thẳng tay trong lần rà soát này như: Nghị định 136/2018 bỏ điều kiện “có phẩm chất đạo đức, liêm khiết, trung thực, khách quan” đối với cá nhân hành nghề tư vấn xác định giá đất trong tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất; Nghị định 65/2018 bỏ điều kiện “có trang thiết bị, cơ sở vật chất phù hợp với ngành nghề kinh doanh” đối với điều kiện kinh doanh đường sắt…
Con số chỉ là con số
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, việc rà soát điều kiện kinh doanh vẫn còn nhiều điều chưa như kì vọng. Và một trong những điểm gây “quan ngại” nhất đó là con số.
Xem xét các phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ, có thể thấy phần lớn đều đưa ra tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh là trên 50%. Tuy nhiên khi phân tích sâu vào từng phương án hay các quy định tại nghị định, có thể thấy nhiều trường hợp cắt giảm chỉ mang tính hình thức, bảo đảm được yêu cầu về số lượng nhưng ít ý nghĩa thực tế.
Chẳng hạn như trong các phương án, các điều kiện liên quan đến nhân thân (của một số vị trí quản lý, điều hành chuyên môn của doanh nghiệp) như “có năng lực hành vi dân sự” đều được kiến nghị bãi bỏ và được tính vào số lượng cắt giảm. Trên thực tế, điều kiện này chỉ có nghĩa là cá nhân đủ 18 tuổi, bình thường về nhận thức những điều kiện mà đương nhiên người ở vị trí đó của doanh nghiệp phải đáp ứng. Vì vậy, việc bãi bỏ hay không các điều kiện này cũng không tạo thêm bất kỳ thuận lợi nào cho doanh nghiệp.
Hay như trong lĩnh vực dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, liên quan điều kiện “phải có phương án kinh doanh”, Nghị định 151/2018 đã bỏ 2 nội dung trong phương án kinh doanh thay vì 4 nội dung. Như vậy, trên thực tế, về cơ bản thì các doanh nghiệp vẫn phải cung cấp phương án kinh doanh, chỉ có điều là với nội dung ít hơn. Trong khi đó, bản thân điều kiện về phương án kinh doanh là không cần thiết.
Như vậy, có thể nói “con số chỉ là con số”. Chất lượng đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh đến đâu vẫn là vấn đề chưa được làm sáng rõ. Đã có lần Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phải thẳng thắn rằng “có tình trạng chạy theo con số, mang tính đối phó, không thực chất” trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Ngoài vấn đề về số lượng, một khía cạnh chưa được như kì vọng khác là hoạt động cắt giảm điều kiện kinh doanh mới chỉ được tiến hành ở các văn bản cấp nghị định. Trong khi đó, rất nhiều điều kiện kinh doanh chưa phù hợp khác đang nằm tại Luật vẫn chưa được “đụng tới”.
Chính vì giới hạn này mà việc rà soát, cắt bỏ điều kiện kinh doanh chưa được triệt để. Ví dụ “kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển”, “kinh doanh dịch vụ làm thủ tục hải quan”, “kinh doanh dịch vụ kế toán”; “kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế”; “kinh doanh dịch vụ mua bán nợ”… là những ngành nghề không cần “áp” điều kiện kinh doanh.
Tuy nhiên, các văn bản cấp luật (Luật Kế toán, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Đầu tư) lại đang xác định đây là các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, dù đã chỉ ra những điểm vướng, bất cập trong việc kiểm soát các ngành nghề này bằng điều kiện kinh doanh nhưng các nghị định cũng không thể giải quyết được vấn đề.
Tình trạng còn tồi tệ hơn khi hiện vẫn còn không ít các điều kiện kinh doanh bất hợp lí vẫn đang tồn tại, thậm chí diễn ra tình trạng “bỏ cũ thêm mới”, doanh nghiệp gặp khó khăn hơn với chính các điều kiện kinh doanh được sửa đổi.
Chẳng hạn như điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng tại Nghị định 100/2018 còn “khó” hơn so với quy định tại Nghị định 59/2015 khi cá nhân nộp hồ sơ xin cấp chứng chỉ phải đảm bảo “đã làm giám sát trưởng hoặc chỉ huy trưởng công trình” thay vì “đã trực tiếp giám sát thi công” như trước đây.
Hay như so với Nghị định 44/2014 và Nghị định 01/2017, Nghị định 136/2018 đã bổ sung điều kiện để cá nhân được hành nghề tư vấn xác định giá đất trong tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất là phải có thêm “giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học bồi dưỡng về định giá đất theo chương trình bồi dưỡng về định giá đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành”. Đây được xem là giấy phép mới so với trước đây và có thể gây tốn kém về chi phí và khó khăn cho đối tượng phải xin phép.
Theo VCCI, để khắc phục những hạn chế nêu trên và đẩy mạnh hơn nữa việc cắt giảm điều kiện kinh doanh trong năm 2019, Chính phủ cần sử dụng tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư, theo đó các điều kiện kinh doanh chỉ được ban hành vì “lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” khi tiến hành rà soát.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần mở rộng phạm vi rà soát, không chỉ giới hạn ở cấp nghị định mà nên mở rộng ra cả cấp luật và kiến nghị sửa luật.
Tào Minh