Vietstock - Sụt gần 7%/tuần, dầu WTI có tuần giảm mạnh nhất trong năm 2019
Tuần qua, dầu WTI sụt 6.8%, dầu Brent giảm 4.9%
Các hợp đồng dầu thô tương lai khởi sắc vào ngày thứ Sáu (24/05), phục hồi một phần từ đà sụt giảm gần đây, nhưng một ngày sau khi chứng kiến phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2018, giá dầu đã ghi nhận tuần có thành quả tồi tệ nhất trong năm 2019, MarketWatch đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7 trên sàn Nymex tiến 72 xu (tương đương 1.2%) lên 58.63 USD/thùng. Tuần qua, hợp đồng này đã sụt 6.8%.
Đà suy giảm trong ngày thứ năm (23/05) đã đưa giá dầu WTI rớt mốc bình quân động 200 ngày, một thước đo động lực trong dài hạn, tại mức 60.55 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 7 trên sàn Luân Đôn cộng 93 xu (tương đương 1.4%) lên 68.69 USD/thùng, nhưng vẫn giảm 4.9% trong tuần qua.
Dầu Brent đã giảm 4.6%, còn dầu WTI sụt 5.7% vào ngày thứ Năm (23/05) – phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2018. Đây cũng là tuần sụt giảm mạnh nhất của cả 2 hợp đồng dầu từ đầu năm đến nay.
Dầu tìm thấy một số hỗ trợ trong ngày thứ Sáu từ đà tăng của các thị trường chứng khoán toàn cầu. Chứng khoán Mỹ đã nhảy vọt sau báo cáo cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể nới lỏng các ràng buộc đối với Tập đoàn Huawei Technologies, như một phần trong thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Các nhà đầu tư hàng hóa lo ngại rằng xung đột thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc có thể đẩy nhanh tốc độ suy yếu của nền kinh tế toàn cầu, vốn dường như đã xảy ra ở châu Âu.
Vào ngày thứ Hai tới (27/05), dầu WTI sẽ không giao dịch thường xuyên trên sàn Nymex, mặc dù dầu Brent sẽ rút ngắn thời gian giao dịch trên sàn ICE.
Các yếu tố nguồn cung cũng gây sức ép lên giá dầu, và đó vẫn là động lực chính, theo các nhà phân tích tại Commerzbank. “Nguồn cung vẫn đang tiếp tục bị thắt chặt. Có nhiều lý do cho vấn đề này: Iran đang xuất khẩu dầu ít hơn đáng kể do các lệnh trừng phạt của Mỹ, các chuyến vận chuyển dầu từ Nga vẫn đang bị gián đoạn vì vấn đề chất lượng, và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang tiếp tục kiểm soát nguồn cung. Có một điều để nghi ngờ là liệu Ả-rập Xê-út có sẵn sàng đẩy mạnh sản lượng hay không trước đà sụt giảm gần đây của giá dầu. Do đó, chúng tôi hy vọng sẽ thấy giá dầu tăng lần nữa trong tương lai gần”.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã hạ triển vọng khi giá dầu thô giảm sâu trong tuần này sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung dầu thô nội địa vọt 4.7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 17/05.
Tuy nhiên, vào ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes đã cho thấy dấu hiệu về khả năng chậm lại trong hoạt động khai thác dầu, với số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 3 tuần liên tiếp.
Hướng về cuộc họp của các thành viên trong và ngoài OPEC, các nhà phân tích chỉ ra rằng mặc dù Ả-rập Xê-út cho biết sẽ không gia tăng sản lượng, các báo cáo được đưa ra trước cuộc họp đó đã để lại một số câu hỏi mở. Gần đây, đã có suy đoán, mặc dù không có xác nhận, rằng OPEC sẽ quyết định thay đổi ngày diễn ra cuộc họp tiếp theo từ ngày 25-26/06 sang tuần đầu tiên của tháng 7. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng sẽ hết hạn vào cuối tháng 6 tới.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 6 tiến 1.1% lên 1.935 USD/gallon, qua đó góp phần nâng tổng mức leo dốc trong tuần lên 5.5%. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 6 nhích 0.5% lên 1.971 USD/gallon và vọt 5.9% trong tuần qua.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 6 cộng 0.8% lên 2.598 USD/MMBtu, nhưng vẫn giảm 1.3% trong tuần qua.
An Trần