Vietstock - Nhiều loại thuế, phí vào 'tầm ngắm'
Hàng loạt các đề xuất thuế, phí của cơ quan thuế nhắm vào người dân, doanh nghiệp đang gây bức xúc cho nhiều người.
Cơ quan thuế chạy đua tăng thu cuối năm
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
|
Từ phí khí thải cho tới chạy xe ôm, bán vỉa hè
Bộ Tài chính vừa đề xuất các bộ, ngành nghiên cứu phương án thu phí, xuất phát từ kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai và UBND TP.Hà Nội.
Cụ thể, UBND TP.Hà Nội cho biết sự gia tăng ô nhiễm không khí của phương tiện giao thông đã ở mức báo động, ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn Hà Nội có xu hướng tăng, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống. Do đó, UBND TP đã báo cáo Thủ tướng về việc lập đề án thu phí ô nhiễm môi trường đối với các phương tiện xả thải quá mức quy định nhằm mục tiêu tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ, vừa giảm ùn tắc giao thông, vừa giảm ô nhiễm môi trường.
Văn phòng Chính phủ sau đó đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của UBND TP.Hà Nội, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Trước đó, trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố tháng 10 cũng nêu Chính phủ xem xét ban hành Nghị định quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.
Đề xuất này khiến doanh nghiệp, cá nhân không khỏi lo lắng bởi từ ngày 1.1.2019, thuế bảo vệ môi trường sẽ chính thức tăng kịch trần. Cụ thể, thuế bảo vệ môi trường với xăng tăng từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít, dầu diesel từ 1.500 lên 2.000 đồng/lít, dầu mazut, dầu nhờn từ 900 lên 2.000 đồng/lít; dầu hỏa từ 300 lên 1.000 đồng/lít; than antraxit từ 20.000 lên 30.000 đồng/tấn; than nâu, than mỡ, than đá khác, mức thuế tăng từ 10.000 lên 15.000 đồng/tấn; dung dịch HCFC từ 4.000 lên 5.000 đồng/kg; túi ni lông từ 40.000 lên 50.000 đồng/kg.
Chưa hết, mới đây Tổng cục Thuế đã có công văn chỉ đạo các cơ quan thuế tỉnh thành đưa hơn 580.000 hộ kinh doanh “lọt sổ” vào diện quản lý thuế trong năm 2019. Lý do là trước đó, Tổng cục Thống kê điều tra có 4,3 triệu hộ kinh doanh, sau khi loại trừ một số hộ kinh doanh gồm xe ôm, xe lam, chủ thầu xây dựng vãng lai, kinh doanh quán cóc, vỉa hè, hộ kinh doanh tại các điểm tự phát - không chính thức được phép hoạt động (chợ tạm, chợ cóc, xóm làng, thôn, bản...), còn lại 2,2 triệu hộ kinh doanh. Tuy nhiên, số liệu của cơ quan thuế chỉ quản lý 1,6 triệu hộ kinh doanh. Do đó, cơ quan thuế sẽ đưa 580.000 hộ vào diện quản lý trong năm 2019.
Ngoài ra, còn một số loại phí thuế đang được cơ quan quản lý “quan tâm” đến như tăng lệ phí trước bạ đối với xe bán tải, áp dụng thu phí bảo hiểm xã hội đối với người nước ngoài 3,5% lương từ ngày 1.1.2019 (hiện nay không thu đối tượng này)...
“Chạy” thu cuối năm ?
Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình ngân sách lũy kế 11 tháng đạt hơn 1,22 triệu tỉ đồng, bằng 92,7% dự toán năm, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó thu nội địa đạt 975.400 tỉ đồng, bằng 88,7% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Không kể các khoản thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp nhà nước, thu hồi vốn ngân sách nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế và thu chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước thì số thu nội địa ước đạt 742.900 tỉ đồng, bằng 85,6% dự toán năm, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên theo Tổng cục Thuế, tiến độ thu ngân sách trung ương hiện chỉ mới đạt 88,1% dự toán, đặc biệt một số địa phương có nguồn thu ngân sách trung ương lớn nhưng tiến độ thu thấp. Để hoàn thành vượt 5% so với dự toán thu ngân sách nhà nước, Tổng cục Thuế đề nghị các cục thuế tỉnh thành phân công công chức làm thêm ngoài giờ (thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ) để thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho người nộp thuế. Cục thuế tỉnh thành khẩn trương hoàn thành và ban hành kết luận đối với các cuộc thanh kiểm tra và đôn đốc các đơn vị nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách năm 2018 đối với các khoản tăng thu; tập trung đôn đốc thu hồi nợ, cưỡng chế thuế, phấn đấu tỷ lệ nợ thuế xuống dưới 5% tổng thu. Đồng thời, cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan địa phương như tài nguyên môi trường, ngân hàng, quản lý thị trường... thu các khoản thuế từ cổ tức và lợi nhuận còn lại, thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản, phí, lệ phí và thu khác ngân sách, trong đó đặc biệt tập trung vào những khoản thu điều tiết về ngân sách trung ương.
Theo luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang: Nợ nước ngoài đã “trần” rồi nên cơ quan chức năng đang tăng thu nội địa nhưng nguồn thu cũng cần phải nuôi dưỡng.
“Thu nhập của người nộp thuế không tăng lên mà thuế, phí chồng lên nhau thì sao chịu nổi? Thay vì tăng cường bộ máy rà soát, theo dõi những nguồn thu như kinh doanh xe ôm, vỉa hè..., cơ quan chức năng cần tập trung giải pháp thu những nguồn lớn hơn hiện nay”, ông Xoa nói và dẫn chứng như quán nhậu, buôn bán, kinh doanh qua mạng... hiện chưa sử dụng máy tính tiền liên kết dữ liệu với cơ quan thuế nên số thu còn thấp so với thực tế. Quản tốt các nguồn này sẽ bổ sung cho ngân sách một nguồn không nhỏ.
Thanh Xuân