Vietstock - Chính phủ đặc biệt quan tâm phát triển bền vững thị trường chứng khoán
Tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam được tổ chức sáng ngày 21/8/2017 tại Thành phố Tokyo, Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng đã nêu các triển vọng chính sách trong lĩnh vực chứng khoán trong thời gian tới của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
|
Bộ trưởng cho biết, đối với thị trường chứng khoán, trong thời gian tới Việt Nam sẽ tập trung: (i) quyết tâm thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), thoái vốn ngoài ngành theo kế hoạch, đặc biệt là cổ phần hóa các DNNN có quy mô lớn; (ii) áp dụng nguyên tắc quản trị hiện đại và công bố thông tin công khai, minh bạch; (iii) bảo đảm hoạt động của các DNNN theo cơ chế thị trường; (iv) tăng cường giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; (v) giảm mạnh tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại các DNNN cổ phần hóa; (vi) cho phép dành tỷ lệ lớn để bán cho đối tác chiến lược nước ngoài; (vii) yêu cầu các DNNN cổ phần hóa niêm yết trên TTCK.
Với mục tiêu cổ phần hóa DNNN mạnh mẽ của Chính phủ, trong năm 2017 hoàn thành cổ phần hóa 44 doanh nghiệp, năm 2018 là 64 doanh nghiệp, năm 2019 chỉ 18 doanh nghiệp.
Bộ trưởng nhấn mạnh, cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa DNNN, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc phát triển một cách bền vững thị trường chứng khoán Việt Nam. TTCK Việt Nam diễn biến khởi sắc trong 8 tháng đầu năm. Đến nay, mức vốn hóa thị trường đạt trên 112 tỷ USD, tăng 29% so với cuối năm 2016, tương đương 55.8% GDP, mức cao nhất kể từ khi thành lập thị trường.
Bên cạnh thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho Chính phủ, các ngân hàng chính sách, chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Tính đến 30/6/2017, quy mô thị trường trái phiếu đạt gần 40% GDP, trong đó trái phiếu Chính phủ là 29.5% GDP.
Đặc biệt, với định hướng xây dựng thị trường mới với sản phẩm đầu tư mới nhằm thu hút nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường, ngày 10/08/2017, Chính phủ đã khai trương thị trường chứng khoán phái sinh, với sản phẩm giao dịch đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Trong thời gian tới, các sản phẩm khác như Hợp đồng tương lai chỉ số HNX30 và Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ cũng sắp được đưa vào giao dịch. Ngoài ra, trong tháng 11/2017, sản phẩm chứng quyền đảm bảo sẽ được đưa vào triển khai.
Diễn biến khởi sắc của thị trường phải kể đến đóng góp từ hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài. TTCK tiếp tục là điểm đến hấp dẫn thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Trong đó, nhà đầu tư Nhật Bản góp vốn vào các quỹ đầu tư chứng khoán thành lập tại Việt Nam như Quỹ Đầu tư Japan Asia MB Capital, Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Dai-ichi Life Việt Nam, Quỹ Thành viên Việt Nhật, Quỹ Đầu tư Việt Nam đạt giá trị khoảng gần 53 triệu USD.
Theo đó, trong thời gian tới Việt Nam sẽ tập trung:
(i) Triển khai xây dựng Luật chứng khoán sửa đổi, chú trọng nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các công ty đại chúng, ngoại trừ những lĩnh vực hạn chế, kinh doanh có điều kiện.
(ii) Khơi thông dòng vốn trong nước và nước ngoài thông qua các giải pháp chính sách về nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng MSCI; xây dựng các quy định về xếp hạng tín nhiệm và thiết lập tổ chức định mức tín nhiệm của Việt Nam, tạo cơ sở cho việc phát triển thị trường trái phiếu và các sản phẩm khác; thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tháo gỡ vướng mắc với Luật đầu tư thông qua việc ban hành Luật chứng khoán sửa đổi, bổ sung.
(iii) Tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các DNNN gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch; bổ sung phương thức dựng sổ vào Nghị định cổ phần hóa; triển khai cơ chế tạo lập thị trường, phát hành bộ Nguyên tắc quản trị công ty; tăng cường kiểm tra, giám sát về tính minh bạch các thông tin trong Báo cáo tài chính của các công ty đại chúng về vấn đề sử dụng vốn, công bố thông tin và quản trị công ty.