Vietstock - Dân vẫn còn khổ vì quy hoạch “treo”
Chất lượng các đồ án quy hoạch chưa cao, còn dự án “treo” và tình trạng người dân tái định cư bán nhà vì cuộc sống không bằng nơi ở cũ.
Chung cư tái định cư tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.
|
Đó là nhận định của các đại biểu HĐND TP.HCM tại buổi giám sát tình hình thực hiện nghị quyết 16 năm 2012 của HĐND TP về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị tại UBND TP.
Người dân không ở nhà tái định cư
Câu chuyện về chất lượng cuộc sống của người dân sau tái định cư được nhiều đại biểu đề cập tại buổi giám sát.
Ông Trương Lâm Danh, trưởng Ban pháp chế HĐND TP, đưa ra thực tế: "Có dự án tái định cư chỉ còn khoảng 20% người dân tái định cư sinh sống, còn lại đã bán nhà cho người khác. Phần lớn những người đã bán nhà thì chính quyền không biết họ đi về đâu".
Ông Phạm Đức Hải, phó chủ tịch HĐND TP, đề nghị phải chú trọng hơn nữa về nhà ở và hạ tầng kỹ thuật cho dân tái định cư vì kết quả khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy hơn 16% người được khảo sát cho biết cuộc sống của họ giảm sút so với nơi ở cũ, nhiều trường hợp phải quay về chỗ cũ mưu sinh, làm nghề cũ, tốn thêm chi phí đi lại...
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch HĐND TP, yêu cầu UBND TP phải trả lời cho được câu hỏi tại sao người dân chuyển nhượng căn hộ tái định cư.
Giải trình vấn đề này, ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch UBND TP, cho biết những trường hợp người dân có đời sống sau tái định cư không bằng nơi ở cũ rơi vào những dự án phải di dời các khu nhà phố. Còn những dự án dời người dân ở trên và ven kênh rạch thì phần lớn có cuộc sống ở nơi tái định cư tốt hơn nơi ở cũ.
Ông Phạm Đức Hải đề nghị các địa phương phải nắm đầy đủ thông tin về người dân bị tác động của từng dự án.
"Nếu địa phương không trả lời được người dân sau khi bị di dời sẽ đi về đâu thì làm sao thu hồi đất của dân được? TP cũng cần phải quan tâm đến cơ sở hạ tầng ở khu tái định cư. Nhiều khu tái định cư người dân đã vô ở còn thiếu thốn đủ thứ" - ông Hải đặt vấn đề.
Đánh giá lại việc thu hồi dự án "treo"
UBND TP báo cáo đã cơ bản hoàn thành việc xóa các dự án "treo" trên địa bàn TP với khoảng 580 dự án "treo" được xóa từ năm 2012 đến nay. Tuy nhiên, các đại biểu HĐND TP lại chỉ ra nhiều dự án chậm triển khai vẫn còn hành dân, như: dự án khu đô thị Đại học Hưng Long (Bình Chánh), khu đô thị Sing - Việt, một dự án trên đường Nguyễn Thị Minh Khai...
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng: "Giờ có thể đếm ngay trên đầu ngón tay các dự án kéo dài từ 10 đến 25 năm", và yêu cầu UBND TP đánh giá lại việc thực hiện thu hồi dự án chậm triển khai trên địa bàn TP. Trong đó, phải đánh giá có bao nhiêu dự án sau khi Nhà nước xóa "treo" thì trả lại đất cho dân, người dân đã thực sự được hưởng các quyền lợi về nhà, đất hay chưa?...
Nói về các dự án "treo", ông Trần Vĩnh Tuyến cho rằng các dự án chậm triển khai là chủ đầu tư không có năng lực tài chính, nội bộ doanh nghiệp có tranh chấp hoặc đang bị thanh tra...
Chất lượng các đồ án quy hoạch cũng được nhiều đại biểu quan tâm tại buổi giám sát: thiếu đất cho giáo dục, cây xanh, tỉ lệ đất dành cho giao thông của TP cũng nằm trong nhóm các tỉnh có tỉ lệ đất giao thông thấp nhất nước.
Chính vì chất lượng các đồ án quy hoạch chưa cao nên công tác thực hiện quy hoạch cũng rơi vào vòng luẩn quẩn: phải điều chỉnh lại nhiều lần quy hoạch cục bộ hoặc quy hoạch 1/500 trong quá trình thực hiện, dự án "đất vàng" thì nhiều nhà đầu tư nhòm ngó, còn các vị trí kém hấp dẫn lại không tìm ra nhà đầu tư.
Hoặc thực tế các dự án giao thông, cây xanh, công cộng lại không có nguồn lực để triển khai dẫn đến "treo" quyền lợi của người dân…
Thông tin quy hoạch phải dễ hiểu Đại biểu Cao Thanh Bình cho rằng thời gian qua, việc niêm yết công khai đồ án, dự án quy hoạch đúng quy trình nhưng hiệu quả thấp vì địa điểm niêm yết không thuận lợi cho người dân, từ ngữ chuyên ngành khó hiểu. Ông Bình đề nghị phải niêm yết luôn bản đồ hiện trạng và bản đồ quy hoạch thì người dân mới đọc được đồ án quy hoạch. Một đại biểu khác chuyển đề nghị của cử tri là phải rà soát thường xuyên hơn các đồ án quy hoạch để nhanh chóng điều chỉnh những hạng mục không khả thi, tránh "treo" quyền lợi của người dân quá lâu. Ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết TP đang xin chủ trương rà soát lại quy hoạch. Những dự án, quy hoạch nào có nguồn lực đầu tư và TP quyết tâm làm thì sẽ công khai cho dân biết. Những dự án nào chưa có nguồn lực thực hiện thì "xả" cho dân thực hiện các quyền về đất đai. Bên cạnh đó, TP cũng sẽ cải cách thủ tục đầu tư để các chủ đầu tư nhanh chóng triển khai dự án, tránh "treo" lâu, gây thiệt hại cho dân. |