Vietstock - Bộ trưởng KH&ĐT: Tăng trưởng 6,7% không bất khả thi
“Với Việt Nam tăng trưởng có nhiều ý nghĩa như tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo việc làm, thu ngân sách để chi đầu tư, an sinh xã hội. Tất cả những vấn đề này góp phần ổn định xã hội, góp phần ổn định chính trị, điều rất quan trọng với chúng ta”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nói.
Trao đổi với TBKTSG Online Online, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã giải thích rõ hơn tại sao Chính phủ vẫn kiên định giữ mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay và các vấn đề liên quan.
TBKTSG Online: Trước tình hình tăng trưởng những tháng đầu năm thấp như vậy, vì sao Chính phủ lại quyết giữ mục tiêu tăng trưởng 6,7%, một mức mà nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho là rất khó đạt?
- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đây là năm thứ hai thực hiện kế hạch 5 năm. Năm ngoái tăng trưởng thấp 6,21%, năm nay mà không đạt thì sẽ khó cho kế hoạch năm năm.
Ở khía cạnh hội hập, nước ta nếu không phát triển nhanh hơn thì tụt hậu so với các nước trong khu vực. Trên một số phương diện chúng ta đã thua kém nhiều nước trong khu vực rồi, buộc chúng ta phải tăng tốc nhanh hơn. Chúng ta phải phát triển nhanh để giữ ổn định; và giữ ổn định mới phát triển nhanh được. Mọi người nói phải ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát là đúng rồi, nhưng khi chúng ta đã giữ ổn định rồi thì phải tăng tốc phát triển. Chúng ta duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng phải phát triển nhanh hơn. Nhận thức này là chung, mạnh mẽ và quyết liệt của Trung ương, và Chính phủ.
Với Việt Nam tăng trưởng có nhiều ý nghĩa như tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo việc làm, thu ngân sách để chi đầu tư, an sinh xã hội. Tất cả những vấn đề này góp phần ổn định xã hội, góp phần ổn định chính trị, điều rất quan trọng với chúng ta. Vì thế giữ mục tiêu này là nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Trước yêu cầu đó, Chính phủ kiên định giữ mục tiêu tăng trưởng 6,7%.
Cơ sở nào để ông tính toán là sẽ đạt mức tăng trưởng như vậy?
- Thứ nhất, bối cảnh quốc tế có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực về kinh tế và thương mại. Dự báo của các tổ cức quốc tế đều đánh giá tình hình thế giới trong ngắn hạn tốt, có dấu hiệu phục hồi, tác động đến nền kinh tế Việt Nam đã mở cửa và hội nhập sâu rộng.
Thứ hai, tình hình trong nước không khó khăn như năm ngoái xâm ngập mặn, lũ lụt, dịch bệnh, các vấn đề khác đã ảnh hưởng các tỉnh miền Trung. Năm nay, nông nghiệp phục hồi tốt, thị trường tiêu thụ thì tốt. Các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư trong nước tốt lên; khách du lịch tăng nhanh; thu ngân sách tốt, xuất khẩu tăng tốt; và đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng tốt. Đó là những yếu tố thuận lợi.
Bên cạnh đó, so sánh với kết quả tăng trưởng những năm trước đây, chúng tôi thấy không có chênh lệch quá lớn, và chúng tôi tính toán để tự tin phấn đấu; là cơ sở Chính phủ thấy có thể giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Như vậy, quan điểm của Chính phủ về tăng trưởng đã khác đi?
- Về dài hạn, Chính phủ xác định không tăng trưởng bằng mọi giá, hay đánh đổi môi trường. Tuy nhiên, Chính phủ muốn tận dụng triệt để cơ hội, tiềm năng mình có để phát triển. Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu, nhưng Chính phủ muốn đồng thời khơi dậy tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy tăng trưởng. Đó là những quan điểm chung của Chính phủ trong thời gian vừa qua.
Tăng trưởng 6,7% là mục tiêu khó khăn nhưng không phải bất khả thi nếu có giải pháp đúng đắn, đồng bộ và triển khai quyết liệt. Đó là hai mặt của vấn đề. Vì thế, cần nỗ lực triển khai quyết liệt. Chúng tôi đang dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng với các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy các ngành và địa phương triển khai để đạt mục tiêu.
Theo tính toán, để đạt được tăng trưởng 6,7% thì khu vực 1 (nông, lâm nghiệp) phải đạt mức 3,05%, khu vực 2 (công nghiệp và xây dựng) là 7,91% và khu vực 3 (dịch vụ) là 7,19%. Đây là những mục tiêu cao, nhưng có thể đạt được.
Thưa ông, dự kiến chỉ thị sẽ có những giải pháp nào để thúc đẩy tăng trưởng?
- Chúng tôi phân ra hai nhóm giải pháp.
Thứ nhất là các giải pháp cơ bản, dài hạn. Đó tiếp tục là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm pháp, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế để nâng cao năng suất lao động. Đây là những điểm chốt quan trọng. Bên cạnh đó là mở rộng thị trường xuất khẩu, thị trường trong nước. Chúng ta đã có nhiều hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu, và thị trường trong nước có hơn 90 triệu dân cũng rất lớn.
Thứ hai là các giải pháp ngắn hạn và phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trên thực tế các doanh nghiệp cả FDI và tư nhân trong nước đăng ký nhiều, nhưng làm sao để họ chuyển hóa vốn đăng ký thành vốn đầu tư là cả vấn đề. Chúng ta có năng lực để hấp thụ nguồn vốn này không? Chúng ta cần sẵn sàng về hạ tầng, thể chế, năng lượng, nguồn nhân lực,… mới có khả năng hấp thụ nguồn vốn đăng ký này. Bên cạnh đó phải tháo gỡ ách tắc về đất đai, không thì họ rất khó bỏ vốn ra đầu tư.
Phải giảm chi phí cho doanh nghiệp. Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất. Không làm được thì hàng hóa Việt Nam rất khó cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị. Tôi rất lo lắng, vì sao hàng hóa chúng ta không nâng cao được năng suất, và có giá thành rất cao. Hàng hóa Trung Quốc, kể cả loại bán thành phẩm cũng rẻ hơn nguyên liệu sơ cấp của chúng ta thì làm sao hàng hóa Việt Nam cạnh tranh được. Chi phí vận tải, logistic rất lớn.
Yếu tố nữa là giải ngân nhanh các nguồn vốn đầu tư. Chúng tôi giao vốn trung hạn rất sớm. Tuy nhiên còn một số nguồn khác còn vấn đề thủ tục thì chúng tôi đang tháo gỡ. Nếu không tháo gỡ thủ tục thì không giải ngân vốn đầu tư xây dựng được.
Bộ trưởng giải thích vì sao Chính phủ lại tăng khai thác dầu thô, hay thúc đẩy Formosa và Samsung để thúc đẩy tăng trưởng?
- Năm 2016 chúng ta khai thác hơn 16 triệu tấn dầu thô, nhưng năm nay chỉ đặt kế hoạch là 12,28 triệu tấn, hụt gần 3 triệu tấn. Năng lực có thể khai thác thêm và giá dầu phục hồi tạo cơ hội khai thác thêm 1 triệu tấn dầu cho tăng trưởng. Chúng ta muốn nâng cao chất lượng tăng trưởng, giảm dần phụ thuộc vào dầu, nhưng hiện nay dầu mỏ vẫn đóng góp tốt cho tăng trưởng.
Về Formosa (Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh), chúng tôi đã báo cáo với Quốc hội. Chúng tôi kiến nghị Formosa đã đầu tư 10 tỉ đô la rồi, họ đã khắc phục các điều kiện chúng ta yêu cầu. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra thấy đủ điều kiện để hoạt động lò số 1. Sau khi họ khắc phục, đảm bảo được các điều kiện về môi trường thì cho họ hoạt động. Chính Formosa cũng đóng góp cho tăng trưởng.
Còn Samsung cho biết năm nay dự kiến xuất khẩu đạt 50 tỉ đô la, tăng 20% so năm ngoái, tức tăng trưởng rất cao và chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Nhưng thúc ép tăng trưởng rồi sẽ phải tăng cung tiền, điều có thể làm tăng bong bóng bất động sản, chứng khoán và dẫn đến bất ổn vĩ mô?
- Hiện nay Chính phủ chưa có chủ trương vung tiền ra, mà chỉ khuyến khích tăng trưởng tín dụng hợp lý tập trung vào các ngành, lĩnh vực đang ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu. Tôi cho là không đáng ngại với dòng tiền chảy vào bất động sản.
Vì sao Chính phủ cứ phải lo lắng cho tăng trưởng vì có tăng trưởng thêm 1 điểm phần trăm cũng không giải quyết được các vấn đề hiện nay, trong khi lẽ ra Chính phủ cần tập trung nỗ lực vào các chương trình cơ cấu lại nền kinh tế, hay phát triển các loại thị trường đang méo mó hiện nay, thưa ông?
- Cơ cấu lại nền kinh tế là mục tiêu lớn của Chính phủ. Đó là gốc rễ của vấn đề. Chúng ta chủ trương là hướng vào chất lượng, sự bền vững của tăng trưởng chứ không chạy theo số liệu tăng trưởng. Đây là điều tôi rất quan tâm, và Chính phủ có chương trình hành động theo hai nghị quyết của Trung ương và Quốc hội. Chính phủ đang chỉ đạo điều hành để đẩy nhanh tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế. Đó mới là tiền đề cho phát triển nhanh và bền vững cho dài hạn. Còn trong ngắn hạn, chúng ta vẫn cần tăng trưởng 6,7%, dù không phải bằng mọi giá...