Vietstock - Chuyên gia quản lý quỹ: “Tình hình tồi tệ hơn so với 1 năm trước”
Sau hàng loạt sự kiện địa chính trị trong 12 tháng vừa qua, môi trường đầu tư đã trở nên u ám hơn rất nhiều so với 1 năm trước, một tên tuổi nổi bật trong giới tài chính Anh cho biết trong ngày thứ Hai (21/01).
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Martin Gilbert, đồng CEO tại công ty đầu tư Anh Standard Life Aberdeen, đề cập tới cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung và rối rắm về Brexit là hai ví dụ cho thấy các tâm lý thị trường bị tác động như thế nào trong các sự kiện địa chính trị.
Martin Gilbert, đồng CEO tại công ty đầu tư Anh Standard Life Aberdeen
|
Kể từ sự kiện WEF năm trước, Mỹ đã áp thêm thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh cũng đáp trả bằng cách áp thêm thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ - nhắm tới những ngành quan trọng về chính trị như nông nghiệp. Thị trường chứng khoán cũng nhiều phen điên đảo vào cuối năm 2018 vì nỗi lo về chiến tranh thương mại và sự tác động của nó tới tăng trưởng toàn cầu. Thật vậy, nhiều chỉ số chứng kiến những đợt điều chỉnh mạnh, thậm chí một số đã rơi vào phạm vi thị trường con gấu.
“Có quá nhiều rủi ro địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc – chắc chắn là tình hình tồi tệ hơn so với thời điểm 1 năm về trước”, Gilbert nói với hãng tin CNBC.
Trong khi đó, các cuộc đàm phán về Brexit chuẩn bị kết thúc khi chỉ còn chưa tới 3 tháng nữa là tới hạn chót Brexit (ngày 29/03/2019). Dù vậy, các đề xuất của Thủ tướng Anh Theresa May đã bị các nhà làm luật phản đối dữ dội và quốc gia có nguy cơ rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có một thỏa thuận chính thức – một điều mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các chuyên gia ngành đã lên tiếng cảnh báo vào thời điểm các cuộc đàm phán về Brexit bắt đầu.
Ông Gilbert thận trọng cho rằng nền kinh tế toàn cầu có thể đối mặt với nhiều “cơn gió ngược chiều” trong năm nay và cũng vì thế, thị trường có thể biến động mạnh hơn trong năm nay.
“Ngay cả khi các chuyên gia kinh tế tự tin cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn ổn trong năm tới, nhưng thị trường chứng khoán lại nói với chúng ta một câu chuyện hoàn toàn khác”, ông nhận định. “Thị trường chứng khoán thường là một chỉ báo trước rất tốt và chúng đang nói rằng ‘rắc rối vẫn còn ở phía trước’”, Gilberg lưu ý.
Góp phần làm bầu không khí thêm phần ảm đạm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong ngày thứ Hai (21/01), đồng thời cảnh báo đà tăng trưởng mà chúng ta chứng kiến trong vài năm gần đây đang dần mất đà.
IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3.5% trong năm 2019, thấp hơn 0.2 điểm phần trăm dự báo tháng 10/2018 và tăng trưởng 3.6% trong năm 2020, thấp hơn 0.2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Điều này đánh dấu lần điều chỉnh giảm thứ hai trong vòng 3 tháng vừa qua.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Tổng Giám đốc IMF, Christine Lagarde, cho biết: “Sau 2 năm tăng trưởng mạnh, nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm hơn so với dự báo và rủi ro ngày càng tăng. Thế nhưng, ngay cả khi tiếp tục tăng trưởng… thì nền kinh tế cũng đối mặt với nhiều rủi ro hơn”.
Trong bản cập nhật mới nhất, IMF điều chỉnh giảm là do đà suy yếu của các nhà sản xuất xe hơi Đức (vì tiêu chuẩn khí thải mới) và nhu cầu nội địa yếu hơn ở Italy sau những rủi ro chủ quyền và tài chính gần đây. Thế nhưng, IMF cũng nhấn mạnh tới tâm lý ngày càng ủ rủ trên thị trường tài chính toàn cầu và sự thu hẹp của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ - hiện được dự báo giảm mạnh hơn dự báo.
Vũ Hạo (Theo CNBC)