Theo Hoang Nhan
Investing.com - Các nhóm đại diện cho các doanh nghiệp phương Tây tại Trung Quốc đang thúc giục Bắc Kinh nới lỏng cách tiếp cận với Covid. Họ cho rằng các đợt phong tỏa diện rộng đang gây tổn hại đến hoạt động kinh doanh và đầu tư, đồng thời buộc ngày càng nhiều công ty phải cân nhắc chuyển hoạt động ra khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Hơn 50% doanh nghiệp Mỹ đã trì hoãn hoặc giảm đầu tư vào Trung Quốc do sự bùng phát Covid gần đây, theo một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc công bố hôm thứ Hai.
Cuộc khảo sát - được thực hiện từ ngày 29 tháng 4 đến ngày 5 tháng 5 với 121 công ty thành viên tham gia - cũng nêu chi tiết tác động của đợt phong tỏa tại Thượng Hải đối với các công ty Mỹ. Thành phố này là trung tâm tài chính của Trung Quốc và đã bị phong tỏa từ cuối tháng Ba.
Có tới 58% số doanh nghiệp được hỏi đã cắt giảm dự báo doanh thu năm 2022 ở Trung Quốc, con số này tăng lên tương đối so với mức 54% chỉ một tháng trước. Gần một nửa số doanh nghiệp nói rằng lao động nước ngoài có ít khả năng hơn đáng kể hoặc từ chối chuyển đến Trung Quốc vì chính sách zero-Covid.
"Chúng tôi hiểu Trung Quốc chọn ưu tiên sức khỏe và an toàn, nhưng các biện pháp hiện tại đang làm giảm niềm tin của các doanh nghiệp Mỹ đối với Trung Quốc", Colm Rafferty, Chủ tịch hội đồng tại Trung Quốc, cho biết trong một tuyên bố kèm theo kết quả khảo sát.
Ông nói thêm: “Các công ty thành viên của chúng tôi kêu gọi chính phủ đạt được sự cân bằng tối ưu hơn giữa việc ngăn chặn đại dịch, phát triển kinh tế và mở cửa đất nước”.
Doanh nghiệp châu Âu cảnh báo Trung Quốc
Có tới 23% doanh nghiệp châu Âu đang cân nhắc chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc - tỷ lệ cao nhất trong một thập kỷ - theo một cuộc khảo sát nhanh do Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc công bố vào cuối tuần trước.
"Trung Quốc phải thay đổi chiến lược", Jörg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, nói với CNN Business trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
"Chúng tôi hài lòng với động thái này trong hai năm qua. Nhưng bây giờ đã đến lúc phải hành động khác đi. Zero Covid có thể không phải là công cụ phù hợp vào lúc này".
Wuttke cho biết hầu hết các doanh nghiệp ở châu Âu đều đánh giá tích cực trong tháng Giêng, vì cách tiếp cận Covid nghiêm ngặt của Trung Quốc đã cho thấy sự thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus vào thời điểm đó và giúp nền kinh tế tiếp tục phát triển.
Nhưng biến thể Omicron lây lan nhanh đã khiến chính sách Zero Covid của Bắc Kinh bị thử thách và các đợt phong tỏa lớn đã khiến hoạt động kinh tế ở các thành phố lớn bị đình trệ. Theo tính toán mới nhất của CNN, ít nhất 31 thành phố đang bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần.
Vào tháng 4, mảng dịch vụ của Trung Quốc đã thu hẹp với tốc độ nhanh kỷ lục thứ hai khi các đợt phong tỏa ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp nhỏ. Lĩnh vực sản xuất của nước này cũng thu hẹp mạnh, đẩy nền kinh tế đi lùi.
Wuttke cho biết: “Chúng tôi đã thấy thiệt hại cho hoạt động kinh doanh của mình”, và nói thêm rằng các công ty đang tạm dừng đầu tư vì những gì đang xảy ra ở Trung Quốc.
Cuộc khảo sát chớp nhoáng cho thấy 78% trong số 372 doanh nghiệp được hỏi cảm thấy rằng Trung Quốc là một điểm đến đầu tư kém hấp dẫn hơn vì những hạn chế nghiêm ngặt do Covid.
Wuttke nói: “Điều thực sự gây tổn hại cho nền kinh tế chính là triển vọng không rõ ràng. "Không ai có bất kỳ ý tưởng nào khi tình hình này sẽ thay đổi".
Ông nói thêm: "Các quan chức Trung Quốc nhận thức rõ ràng vấn đề của kinh tế [do chính sách Covid gây ra]. Nhưng về cơ bản họ đang gặp khó khăn để thay đổi định hướng".