Vietstock - Chuyến thăm Nhật Bản đa mục tiêu của Thủ tướng
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 23.11, trong bối cảnh cả hai nước vừa bước vào quá trình phục hồi kinh tế do đại dịch Covid-19, đang rất được giới doanh nhân chờ đợi.
Nông sản thêm rộng cửa
Trong hành lý của bà Nguyễn Ngọc Huyền, Tổng giám đốc Tập đoàn MIA, cho chuyến đi Nhật Bản lần này cùng đoàn của Thủ tướng, có rất nhiều trái vú sữa được đóng gói cẩn thận và đẹp mắt. Bà Huyền “khoe” đó sẽ vừa là tặng phẩm được một số lãnh đạo bộ, địa phương lựa chọn, vừa là dịp để bà quảng bá thêm trái cây Việt cho người dân Nhật, đồng thời làm chiến dịch để vụ vú sữa năm sau sẽ xuất tới thị trường này, sau thành công của quả vải và thanh long cách đây mấy tháng.
Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán VN tại Nhật Bản đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay quốc tế Haneda, Tokyo ngày 22.11.2021. TTXVN |
Bà Huyền kể sau 8 năm nhập trái cây Nhật về bán trong nước, bà vừa nghiên cứu, học hỏi quy trình trồng, sơ chế của người Nhật, đồng thời cũng kịp đọc được gu ăn trái cây của họ. Từ giữa năm nay, MIA của vị doanh nhân trẻ đã bắt đầu xuất ngược trái cây VN cho người tiêu dùng thuộc loại khó tính nhất thế giới. “6 tháng trước, chuyến quả vải đầu tiên đã sang xứ sở mặt trời mọc bằng máy bay. Tiếp đó là thanh long. Vải thì bán bên đó được 350.000 đồng/kg. Thanh long giá 80.000 đồng/quả 400 gr. Vì thử nghiệm bằng đường hàng không nên chi phí còn khá cao nhưng giá bán quá ổn, phản hồi rất tốt, nên năm nay công ty sẽ xây xong nhà máy khử khuẩn, xông trái cây để năm tới xuất bán số lượng lớn hơn nhiều”, bà Huyền nói.
“Nhưng mục đích chính lần này tôi đi là để ký hợp đồng bán đậu đỏ. Công ty tôi hợp tác cùng một tập đoàn Nhật Bản để chuyển giao công nghệ. Mình sẽ trồng đậu đỏ ở vùng Sơn La theo tiêu chuẩn hữu cơ của Nhật Bản. Trong năm đầu (2022) dự kiến sẽ xuất sang cho họ 20 - 40 tấn, thuận lợi thì năm tiếp theo số lượng tăng gấp cả trăm lần”, bà Huyền cho biết thêm.
Vải thiều Bắc Giang xuất sang Nhật mùa vừa qua, ngay giữa đại dịch. Phan Hậu |
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ NN-PTNT Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết Nhật Bản đang là đối tác lớn thứ 4 của nông nghiệp VN, với kim ngạch 3,4 tỉ USD trong năm 2021, trong đó VN xuất siêu đến hơn 2,8 tỷ USD; và 10 tháng năm 2021 xuất khẩu của nhóm nông lâm thủy sản tiếp tục tăng trưởng hơn 10%, bất chấp đại dịch. Nhật Bản là thị trường xuất khẩu rất lớn của chúng ta khi là đối tác thương mại lớn thứ 4 của VN, với kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng năm nay đạt 31 tỷ USD. Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), cho biết chỉ riêng khu vực doanh nghiệp, các hợp tác lần này cũng vô cùng sinh động, với con số lên đến hàng tỷ USD. Tuy nhiên, ông Hoàng cho biết với sự cẩn trọng của người Nhật, nhiều doanh nghiệp không muốn tiết lộ cụ thể số tiền hợp tác.
Nhiều dự án công với sức lan tỏa lớn
Trong khi đó, với khu vực công, chuyến công du này dự kiến cũng sẽ thu được nhiều cam kết tài trợ ở cấp Chính phủ. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì Nhật Bản đang là nước tài trợ vốn vay ODA lớn nhất cho VN. Tính đến cuối năm 2019, VN đã nhận viện trợ 2.578 tỉ yên, tương đương 23,76 tỷ USD từ Nhật Bản, chiếm gần 25% tổng số ODA mà quốc tế dành cho VN. Điển hình là các dự án chống biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế cho nông thôn. “Lần này sẽ xúc tiến cam kết bạn tài trợ cho dự án nước sản xuất dành cho cả ĐBSCL, sau khi thành công ở Bến Tre. Tương tự là dự án Quản lý phát triển rừng bền vững, sau khi xong ở miền núi phía bắc thì nay sẽ làm ở Nam Trung bộ và Tây nguyên. Giai đoạn 2015 - 2019, Nhật Bản cho vay và viện trợ với nông nghiệp là 750 triệu USD thì dự kiến tầm nhìn cho giai đoạn 2020 - 2024 sẽ lên tới cả tỷ USD”, ông Tuấn thông tin.
Theo một chuyên gia kinh tế từng có hàng chục năm làm việc với công ty Nhật, trong chiến lược phục hồi kinh tế, với đầu tư công dẫn dắt trước mắt, thì việc Thủ tướng thăm nước tài trợ ODA lớn nhất cho VN là điều vô cùng có ý nghĩa. “Bởi nếu tận dụng được nguồn vốn này cho các dự án hạ tầng lớn, chống biến đổi khí hậu, đầu tư vào khoa học công nghệ... thì sức lan tỏa của nó sẽ càng lớn đối với nền kinh tế, cũng như giúp giải quyết vấn đề việc làm rất cấp bách trong bối cảnh hiện nay”, vị này nói.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu, lâu dài, tin cậy của VN”. Do đó, trọng tâm chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, bên cạnh việc làm sâu sắc thêm quan hệ chính trị, ngoại giao khi Thủ tướng sẽ hội đàm cùng người đồng cấp phía Nhật Bản, gặp cả Chủ tịch thượng và hạ viện… thì thúc đẩy hợp tác kinh tế, phát đi thông điệp về một VN ổn định chính trị, đang nỗ lực cải cách và phục hồi mạnh mẽ giữa đại dịch cũng là ưu tiên. Theo chương trình làm việc tại Nhật Bản, Thủ tướng sẽ dự diễn đàn doanh nghiệp hai nước, tiếp hàng loạt tập đoàn lớn nhất của Nhật Bản, chứng kiến việc tổng kết và nâng cấp mô hình mẫu giữa hợp tác của các địa phương hai nước…
“Cả Nhật Bản và VN vừa bước vào quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch. Do đó, việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu và kêu gọi đầu tư vô cùng quan trọng. Đó chính là “nguyên liệu” cho quá trình phục hồi kinh tế vừa được tái khởi động tháng trước”, một vị bộ trưởng tham gia đoàn công tác chia sẻ.
Ngoài ra, vào giữa tuần qua, VN vừa mở lại du lịch quốc tế, thì việc thành phần đoàn có nhiều doanh nghiệp du lịch, nhiều địa phương như Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Phú Yên... cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp không khói, để sớm có những chuyến bay thẳng được nối lại, đưa người Nhật trở lại VN, bởi Nhật Bản là đối tác du lịch lớn thứ 3 của VN.
Thủ tướng đến Tokyo, bắt đầu chuyến thăm cấp cao Nhật Bản Chiều 22.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao VN đã đáp xuống sân bay Haneda (Tokyo), bắt đầu chuyến thăm cấp cao Nhật Bản từ 22 - 25.11. Tham gia đoàn có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí… Theo chương trình, trong ngày làm việc đầu tiên (23.11), Thủ tướng sẽ dự lễ xuất hành của quýt Unshyu sang VN. Sau đó, Thủ tướng đi tỉnh Tochigi, mở đầu cho hàng loạt hoạt động dày đặc tại Nhật Bản. Tại đây, Thủ tướng đến thăm khu vườn Nhật truyền thống, tiếp Thống đốc Fukuda Tomikazu, gặp gỡ các doanh nghiệp tỉnh Tochigi đang và sẽ đầu tư ở VN. Cuối ngày, Thủ tướng sẽ thăm Đại sứ quán VN tại Nhật Bản, gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt tại đây; dự lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp VN và Công ty DIC, tiếp các nhà khoa học VN hàng đầu tại Nhật Bản. |
Chí Hiếu