Theo Dong Hai
Investing.com - Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý III giảm 6,17% là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Thống kê chi tiết trong quý III, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%. Đây là khu vực duy nhất có sự tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, 2 động lực quan trọng của nền kinh tế là công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ đều giảm mạnh trong quý vừa qua. Khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%.
Sản xuất công nghiệp TP.HCM giảm 47%
Trong 9 tháng đầu năm và quý III, chỉ số sản xuất công nghiệp của TP.HCM lần lượt giảm 13% và giảm 47,1%. Đại diện Tổng cục Thống kê nhìn nhận TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước nên chịu tác động nặng nề nhất.
Trong khi đó, chỉ số này trong 9 tháng và quý III của Bến Tre lần lượt âm 11,2% và âm 44,2%; của Cần Thơ lần lượt âm 9,8% và âm 41%; của Đồng Tháp lần lượt âm 9,9% và âm 34,1%.
Tổng cục Thống kê đánh giá tăng trưởng công nghiệp hiện nay chỉ đạt khoảng 40% so với trước dịch. Tiêu dùng cuối cùng trong quý III của cả nền kinh tế giảm 2,83% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 1,61%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,51%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,75%. Trong khi đó nếu tính chung GDP 9 tháng, kinh tế Việt Nam chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%. Đáng chú ý đóng góp của ngành nông nghiệp trong 9 tháng vừa qua đã chiếm tới 25% GDP. Khu vực dịch vụ giảm mạnh đã kéo giảm GDP cùng với tốc độ tăng chậm lại của khu vực công nghiệp và dịch vụ. Đáng chú ý đóng góp của ngành nông nghiệp trong 9 tháng vừa qua đã chiếm tới 25% GDP. Khu vực dịch vụ giảm mạnh đã kéo giảm GDP cùng với tốc độ tăng chậm lại của khu vực công nghiệp và dịch vụ.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng ước tính tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,29%; quý II tăng 11,18%; quý III giảm 3,5%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,05%; ngành khai khoáng giảm 7,17%.
Trong 9 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2021 là 81,1%.
Tỷ lệ doanh nghiệp mới thành lập rất thấp
Ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh và giãn cách xã hội cũng ảnh hưởng nặng nề đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Trong tháng 9, cả nước có 3.899 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 62.400 tỷ đồng, giảm 32,3% về số doanh nghiệp và giảm 8,1% về vốn đăng ký so với tháng trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 16 tỷ.
Cả nước còn có 3.317 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 9, giảm 14,2% so với tháng trước và giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 9 tháng đầu năm, cả nước có 85.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là gần 1,2 triệu tỷ đồng, giảm 13,6% về số doanh nghiệp và giảm 16,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ.
Theo Tổng cục Thống kê, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 9 giảm 2% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu tăng 18,8%, nhập khẩu tăng 30,5%. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 ước tính xuất siêu 0,5 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,13 tỷ USD (cùng kỳ năm ngoái xuất siêu 16,66 tỷ USD).