Vietstock - 1/4 diện tích TP.HCM (HM:HCM) sẽ chìm trong nước?
UBND TP.HCM vừa phê duyệt Đề án chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2020 - 2015 và Kế hoạch chống ngập, xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2030.
* 1 tỉ USD chống ngập cho TP.Thủ Đức: Khởi động dự án
* Siêu dự án chống ngập 'đắp chiếu' vì thiếu một chữ ký
Chi hàng tỉ “đô”, ngập vẫn ngập. Ảnh: Ngọc Dương
|
Không thể thoát ngập 100%
Dự báo tình hình ngập trong giai đoạn tới, Đề án nêu rõ: TP.HCM là 1 trong 10 thành phố có nguy cơ ảnh hưởng do biến đổi khí hậu cao nhất thế giới. Theo dự báo khi biến đổi khí hậu diễn ra, diện tích bị ngập của thành phố đến cuối thế kỷ 21 lần lượt là 128 km, 204 km và 473 km tương ứng với các kịch bản nước biển dâng 65 cm, 75 cm và 100 cm. Điều này có nghĩa khoảng 1/4 diện tích của TP sẽ chìm trong nước khi nước biển dâng tới mốc 100 cm.
Theo thống kê của UBND TP.HCM, ước tính đến hết năm 2020, thành phố đã giải quyết được 11/17 tuyến đường ngập nước do mưa và 14/23 tuyến đường ngập nước đã xử lý tạm bằng giải pháp cấp bách. Mục tiêu giai đoạn 2020 – 2025 , TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để giải quyết 15 điểm ngập còn lại (gồm Tân Quý, Lê Đức Thọ, Phan Anh, Bạch Đằng, Hồ Học Lãm, Quốc lộ 13 (thuộc danh sách các tuyến đường ngập nước do mưa); các tuyến Ba Vân, Trương Công Định, Bàu Cát, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Nguyễn Hữu Cảnh, Thảo Điền, Quang Trung, Kha Vạn Cân (thuộc danh sách các tuyến đường ngập nước đã xử lý tạm bằng giải pháp cấp bách) và 3 điểm ngập phát sinh gồm đường Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ) , Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng.
Về công tác đầu tư xây dựng, thời gian qua đã đạt được những kết quả khả quan: Hệ thống cống thoát nước được quan tâm đầu tư, cải thiện. Các dự án lớn nhằm cải tạo cảnh quan và môi trường nước đã bước đầu phát huy tác dụng như dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Nhiêu lộc - Thị nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm...
Bên cạnh đó, cũng còn có những mặt hạn chế như đầu tư không đồng thời, đồng bộ dẫn tới kém hiệu quả. Có nơi, có lúc xây dựng đường giao thông nhưng lại không có hệ thống thoát nước đi kèm; Nơi xây dựng xong hệ thống cống bao, thu gom, chuyển tải thì chưa xây nhà máy xử lý nước thải, trong khi nơi xây dựng xong nhà máy xử lý nước thải thì lại chưa có hệ thống cống bao thu gom, chuyển tải nước thải về nhà máy...
Nhận định khả năng để kiểm soát ngập 100% là điều không thể thực hiện được, kể cả các quốc gia tiên tiến nhất thế giới, đề án của TP.HCM đặt mục tiêu trong giai đoạn 2020 - 2025 sẽ cố gắng giữ vững kết quả đạt được, không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết trong phạm vi 550 km2 thuộc giai đoạn 2016 - 2020; Tập trung giải quyết ngập bền vững cho vùng trung tâm rộng 106,41 km, cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại của thành phố. Quan trọng nhất, cần phải tiếp tục nghiên cứu triển khai một chiến lược quản lý ngập lụt cách bền vững, thân thiện với môi trường và ít tốn kém nhất.
ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT - ĐỒ HỌA: ĐÔNG XUÂN
|
Vẫn tập trung các giải pháp công trình
Theo đề án vừa được thông qua, TP.HCM sẽ tập trung thực hiện các dự án, nâng cấp cải tạo hệ thống thoát nước giải quyết 15 tuyến đường ngập do mưa còn lại; Xây dựng mới , hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực chưa có hệ thống thoát nước đặc biệt khu vực phía Đông thành phố. Song song, thực hiện nạo vét các trục tiêu thoát nước lớn nhằm tăng cường khả năng thoát nước cho khu vực trung tâm thành phố về phía Nam. Đồng thời chỉnh trang đô thị - Hoàn thiện giai đoạn 1 nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nâng công suất nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 3, mời gọi đầu tư các nhà máy xử lý nước thải còn lại...
Giai đoạn 2026 - 2030, TP sẽ thực hiện các dự án dự báo, kiểm soát ngập nước nhằm chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình biến đổi khí hậu; Xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước theo quy hoạch tại khu vực ngoại vi; Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các dự án nạo vét trục thoát nước chính, chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch đường sông. Ngoài ra, sẽ xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu vực dân cư đông đúc như Bắc Sài Gòn, Tây Sài Gòn, Nam Sài Gòn.
Các giải pháp công trình nhằm giải quyết ngập vẫn là định hướng trọng tâm. Cụ thể, TP sẽ dồn lực xây dựng 7 hồ điều tiết, thực hiện 70 dự án cải thiện hệ thống thoát nước (đầu tư giai đoạn 2021 - 2021), triển khai dứt điểm các dự án nạo vét kênh rạch và đầu tư các nhà máy xử lý nước thải...
Trước đó, Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật thông tin: Giai đoạn 5 năm qua (2016 - 2020), số kinh phí ngân sách TP đầu tư cho hoạt động chống ngập thấp nhất là 796 tỉ đồng năm 2016, cao nhất là khoảng 2.222 tỉ đồng vào năm nay. Các dự án giải quyết ngập theo hình thức PPP là 9.927 tỉ đồng, dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 là 9.024 tỉ đồng. Tổng cộng, toàn bộ kinh phí đã “đổ” vào công tác chống ngập từ 2016 - 2020 là 25.998 tỉ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD nhưng ngập vẫn hoàn ngập, cứ mưa là ngập khiến người dân ngày càng bức xúc.
Hà Mai