Các ngân hàng đang rục rịch cho vay để trả nợ ngân hàng khác theo Thông tư 06. Lãi suất cho vay thấp nhất chỉ từ 5,6%/năm. Tài chính Ngân hàngCho vay để trả nợ ngân hàng khác, bất ngờ lãi cho vay thấp hơn cả huy độngTuân Nguyễn • {Ngày xuất bản}Các ngân hàng đang rục rịch cho vay để trả nợ ngân hàng khác theo Thông tư 06. Lãi suất cho vay thấp nhất chỉ từ 5,6%/năm.
Theo Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước, từ 1/9, ngân hàng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác. Hàng loạt ngân hàng công bố triển khai cho vay theo thông tư này.
Nhiều ngân hàng nhanh tay công bố lãi suất cho vay để trả nợ ngân hàng khác ở mức khá thấp.
So với mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 6-12 tháng hiện nay đang dao động từ 4,7-6,9%, nhiều ngân hàng rao mức cho vay thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động của nhiều ngân hàng TMCP khác.
VietinBank vừa công bố cho vay trả nợ ngân hàng khác theo nội dung Thông tư 06. Theo đó, khách hàng có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh và khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm (vay mua nhà, mua xe…) sẽ được hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,6%/năm.
Cụ thể, lãi suất cho vay khách hàng cá nhân chỉ từ 5,6%/năm (vay sản xuất kinh doanh) và từ 7,5% (vay tiêu dùng). Mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác, ân hạn nợ gốc 24 tháng. Thời gian vay tối đa 35 năm và không quá thời gian còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.
Khách hàng có thể sử dụng chính tài sản đang thế chấp tại ngân hàng khác như bất động sản/tiền mặt/số dư trên tài khoản tiền gửi/sổ/thẻ tiết kiệm/giấy tờ có giá… của khách hàng hoặc người thân để bảo đảm cho khoản vay.
Lãi suất cho vay để trả nợ chỉ 5,6% của Vietinbank (HM:CTG) hiện đang thấp hơn lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng của hầu hết các ngân hàng TMCP.
Tương tự, Ngân hàng BIDV (HM:BID) triển khai chương gói vay này với lãi suất chỉ từ 6%/năm. BIDV cho biết, đối với khoản vay ngắn hạn dưới 12 tháng, lãi suất chỉ từ 6%/năm; hoặc từ 6,8%/năm đối với các khoản vay trung dài hạn từ 12 tháng trở lên.
Ngân hàng cam kết mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại và phù hợp chi phí thanh toán tiếp theo của phương án vay đối với khoản vay tại ngân hàng khác.
Thời gian ân hạn gốc 24 tháng và không vượt quá thời gian ân hạn trả nợ gốc còn lại của khoản vay, thời hạn vay đến 30 năm và không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác.
Ngân hàng Quân đội (MB) cho biết đang triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác với lãi suất 8%/năm cố định trong 12 tháng. Thời gian vay lên đến 300 tháng và chứng minh nguồn tài trợ một cách linh hoạt, thông qua tài sản tích lũy. Khách hàng có thể sử dụng chính tài sản thế chấp tại ngân hàng cũ để đảm bảo cho khoản vay mới.
Techcombank (HM:TCB) cũng đang triển khai chương trình này với lãi suất từ 7,3%/năm. Techcombank áp dụng khoản vay mua nhận chuyển nhượngbất động sản dự án đã có chứng nhận; khoản vay mua bất động sản chưa có giấy chứng nhận nhưng mua tại dự án có liên kết với Techcombank. Yêu cầu dư nợ vay mua bất động sản tại ngân hàng khác từ 1 tỷ đồng trở lên, khoản vay không được hỗ trợ lãi suất và ân hạn gốc trong 12 tháng gần đây.
Trước đó, Vietcombank (HM:VCB) cũng đã thông báo khách hàng có thể được vay vốn với thời gian vay lên đến 30 năm nhưng không vượt quá thời hạn vay còn lại của khoản vay tại ngân hàng đang vay. Số tiền cho vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc của khoản vay tại ngân hàng đang vay. Ngoài ra, khách hàng được ân hạn trả nợ gốc tối đa lên đến 24 tháng và phù hợp với quy định của Vietcombank.
Mức lãi suất cho vay ưu đãi của Vietcombank chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu.
Mặc dù quảng cáo lãi suất ưu đãi nhưng khách hàng khi vay vốn tại ngân hàng này để trả nợ tại ngân hàng khác cần lưu ý về việc sẽ phải chịu một khoản phí phạt trả nợ trước hạn, thông thường từ 0,5 đến 2% hoặc có thể cao hơn tùy thuộc vào từng ngân hàng cho vay và được quy định trong hợp đồng vay vốn ban đầu.
Ngoài ra, khách hàng cũng sẽ phải chịu trả một loạt các loại phí khác như: phí giải chấp sổ đỏ, phí đăng ký lại thế chấp mới, phí công chứng, phí bảo hiểm cho khoản vay mới,...
Bên cạnh đó, việc thực hiện các thủ tục chuyển tài sản đang thế chấp tại ngân hàng cũ sang thế chấp tại ngân hàng mới chắc chắn cũng sẽ tiêu tốn không ít thời gian và chi phí và người vay sẽ phải chịu.
Hơn nữa, để được các ngân hàng phê duyệt khoản vay, khách hàng phải có lịch sử trả nợ đúng hạn theo thông tin từ CIC, đồng thời phải chứng minh được thu nhập hàng tháng đảm bảo để trả nợ khoản vay.