Việc lạm phát tháng 10 tại Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến có thể là cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm tốc độ tăng lãi suất. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 10/2022 vừa được công bố cho thấy, lạm phát đã hạ nhiệt với tốc độ nhanh hơn dự báo. Diễn biến này đang thúc đẩy kỳ vọng về việc lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ đang dần giảm tốc và tạo điều kiện cho Fed chậm lại trong lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ.
Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, CPI lõi - không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, đã tăng 0,3% so với tháng 9. Còn so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này đã giảm tốc từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ ghi nhận vào tháng trước xuống còn 6,3%.
Trong khi đó, CPI cơ bản tăng 0,4% trong tháng 10 do giá xăng tăng 7,7% so với 1 năm trước. Ước tính của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg là mức tăng 0,6% so với tháng trước và CPI lõi tăng 0,5%.
Chỉ số lạm phát của Mỹ từ năm 2020 đến tháng 10/2022. Nguồn: BNBC Dù CPI lõi giảm tốc là một tín hiệu đáng mừng, nhưng lạm phát Mỹ vẫn ở mức quá cao. Đầu tháng này, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, giới chức NHTW cần chứng kiến xu hướng nhất quán của lạm phát là yếu hơn. Ông cũng chỉ ra rằng, lãi suất có thể chạm mức cao hơn nhiều so với các nhà hoạch định chính sách đã dự báo trước đây.
Chi phí dịch vụ chăm sóc y tế và phương tiện đã sử dụng đi xuống cũng giúp giảm bớt áp lực đối với chỉ số lạm phát trong tháng vừa qua. Chi phí nhà ở tăng cao hơn đã đóng góp vào hơn 1 nửa mức tăng của CPI cơ bản.
Sau khi số liệu mới được công bố, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ ngay lập tức sụt giảm, trong khi thị trường chứng khoán tăng mạnh và chỉ số đồng USD giảm. Các nhà đầu tư đang chuẩn bị tinh thần rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm vào tháng 12 và dự báo lãi suất sẽ xuống dưới 5% sau khi chạm đỉnh vào năm tới.
Hiện tại, tỷ lệ lạm phát cao vẫn tiếp tục gây áp lực cho các hộ gia đình và cả nền kinh tế Mỹ nói chung. Mức giá cao đã khiến tiền lương bị ảnh hưởng và nhiều người phải thắt lưng buộc bụng hoặc dựa vào khoản tiết kiệm, thẻ tín dụng để tiếp tục chi tiêu.
Chi phí nhà ở - chiếm khoảng 1/3 tỷ trọng CPI, đã tăng 0,8% trong tháng trước - mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ năm 1990 và tăng 6,9% so với tháng trước, cao nhất tính theo năm kể từ năm 1982. Ngoài ra, giá nhiên liệu cũng tăng 19,8% trong tháng 10 và tăng 68,5% so với năm ngoái. Chỉ số giá thực phẩm tăng 0,6% vào tháng 10 và 10,9% tính theo năm, trong khi giá năng lượng tăng lần lượt là 1,8% và 17,6%.
Giá tiêu dùng dự kiến sẽ giảm tốc độ tăng trong năm tới, dù một số nhà kinh tế dự báo lộ trình kiềm chế lạm phát của Fed sẽ gây ra suy thoái kinh tế và đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng.
Trong khi Fed đã có những động thái thắt chặt chính sách chưa từng có kể từ những năm 1980. thị trường lao động và nhu cầu tiêu dùng vẫn hồi phục. Tuy nhiên, thị trường bất động sản nhanh chóng lao dốc trong bối cảnh lãi suất thế chấp leo thang.
Một số dấu hiệu khác cũng cho thấy chi phí sinh hoạt của người Mỹ vẫn ở mức cao. Do lạm phát gia tăng, người lao động đã bị cắt giảm lương trong tháng 10. Thu nhập trung bình theo giờ đã giảm 0,1% vào tháng trước và giảm 2,8% so với năm trước.