Theo Dong Hai
Investing.com – Thị trường Việt Nam phiên giao dịch hôm nay có các tin tức mới: Tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực rủi ro trong năm 2022 cao hơn tăng trưởng tín dụng chung, hay tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP tiềm ẩn rủi ro, điều này liệu có đáng lo ngại? Nhiều nhà cung cấp linh phụ kiện ô tô Trung Quốc tìm đến Việt Nam. Tỷ giá USD ngày 14/6: Đồng loạt tăng trong nước… Dưới đây là nội dung chính 3 tin tức đáng chú ý trong phiên giao dịch hôm nay thứ Tư ngày 14/6.
1. Tín dụng ở lĩnh vực rủi ro tăng cao: Đáng lo ngại?
Trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước năm 2022 trình Quốc hội tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với hầu hết các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đều cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung là 13,91%. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực bất động sản là 15,37%, chứng khoán là 23,85%, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là 17,65%.
Tuy nhiên, xét theo mặt số học, do dư nợ ở các lĩnh vực rủi ro là một thành phần con và thấp hơn nhiều so với tổng dư nợ, quy mô cũng bị kiểm soát trong những năm qua nên mức tăng trưởng tương đối tuy có cao hơn nhưng mức tăng tuyệt đối chưa đến nỗi quá đáng lo ngại.
Dù vậy, trong bối cảnh cả thị trường bất động sản, chứng khoán lẫn TPDN gặp khá nhiều trắc trở và bất ổn trong năm vừa qua, việc các lĩnh vực này vẫn đạt được mức tăng trưởng tín dụng như trên cũng có thể khiến nhiều người thắc mắc. Lý giải về vấn đề này các chuyên gia cho rằng:
Do khả năng hấp thụ vốn của các lĩnh vực khác nói chung và lĩnh vực sản xuất nói riêng đã suy giảm, vì nhiều doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng bắt đầu từ quí 4-2022 dẫn đến phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngược lại, các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2022 vừa qua càng gia tăng mức độ khát vốn do tiêu thụ hàng chậm lại bởi thị trường nhà đất bước vào chu kỳ trầm lắng. Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) năm 2022 cho thấy nhóm bất động sản đã phát hành 51.979 tỉ đồng TPDN, chiếm tỷ trọng 20,4%, cao thứ 2 chỉ sau nhóm ngân hàng. Với những doanh nghiệp không còn đủ tài sản để bảo đảm hoặc không thể tiếp cận vốn vay ngân hàng, dòng tiền kinh doanh bị tắc nghẽn, các lãnh đạo, cổ đông lớn nội bộ đã tìm cách thế chấp thêm lượng cổ phiếu để vay vốn bổ sung cho hoạt động của doanh nghiệp, do đó đã làm tăng dư nợ cho vay ở lĩnh vực chứng khoán. Việc hàng loạt tài khoản vay margin của các lãnh đạo, cổ đông lớn nội bộ doanh nghiệp bị bán giải chấp trong giai đoạn tháng 10-2022, đẩy thị trường giảm sâu, đã phần nào phản ánh hiện tượng này.
Đặc biệt, không ít các khoản vay này có thể đã tập trung vào giai đoạn nửa đầu năm 2022 như đã nói, trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn vào nửa cuối năm 2022 và những rủi ro bắt đầu xuất hiện rõ ràng hơn. Nhưng lúc này để thu hồi các khoản đã cho vay ra là không còn dễ, vì hầu hết các doanh nghiệp trong ba thị trường này đều đối mặt với khó khăn và áp lực dòng tiền.
Báo cáo của VBMA cho biết, nhóm bất động sản phát hành hơn 47.000 tỉ đồng TPDN trong tám tháng đầu năm 2022, trong đó CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova phát hành nhiều nhất là 9.857 tỉ đồng. Có lẽ không ít ngân hàng khi phát vay giai đoạn đầu năm 2022 đã có kế hoạch sẽ sớm thu hồi nhằm giảm dư nợ ở những lĩnh vực rủi ro này trước khi kết thúc năm 2022, nhưng mọi việc đã diễn tiến ngoài mong đợi và hệ quả là buộc phải ôm lấy các khoản vay này, kéo theo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở ba lĩnh vực này lên cao như thế.
Một điểm cảnh báo đáng chú ý khác trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước là tỷ lệ dư nợ tín dụng nền kinh tế so với GDP ở mức cao, năm 2020 là 114,3%; năm 2021 là 113,2%. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ này của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc kiểm soát dòng tiền tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro. Ngoài ra, với dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế cuối năm 2022 là 11,924 triệu tỉ đồng, tổng sản phẩm trong nước theo giá hiện hành năm 2022 là 9,513 triệu tỉ đồng, tỷ lệ dư nợ/GDP cuối năm 2022 đã tiếp tục tăng lên mức 125,3%. Nhìn chung, những cảnh báo về tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP cao đã được đưa ra nhiều trong thời gian qua, cho thấy hoạt động của nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào nguồn cung tín dụng từ hệ thống ngân hàng.
Điều này cũng phản ánh những vấn đề của thị trường vốn, khi chưa phát huy hết vai trò cung cấp các nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp.
2. Nhiều nhà cung cấp linh phụ kiện ô tô Trung Quốc tìm đến Việt Nam
Ngày 13-6, Messe Frankfurt (HK) Ltd, Chan Chao International Co., Ltd và Yorkers Exhibition Service Vietnam công bố tổ chức Triển lãm thương mại khu vực tại Việt Nam về ngành công nghiệp dịch vụ ô tô 2023 (Automechanika TPHCM 2023).
Đây là một trong những sự kiện ô tô mang tính quốc tế tại Việt Nam khi thu hút hơn 450 đơn vị tham gia đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản…
Trong lần tổ chức lần thứ 5 này, điểm đáng chú ý là số lượng doanh nghiệp linh phụ kiện ô tô Việt Nam tham gia tăng 50% so với lần thứ 4 được tổ chức vào năm 2019 với 66 đơn vị tham gia.
Ông Calvin Lau, Giám đốc Công ty TNHH Messe Frankfurt (Hong Kong), đại diện ban tổ chức, cho biết có đến 40% số doanh nghiệp trong số hơn 450 doanh nghiệp đăng ký tham gia triển lãm diễn ra từ ngày 23 đến 25-6 tới là đến từ Trung Quốc.
Như vậy có đến khoảng 180 doanh nghiệp về linh kiện phụ tùng trong ngành ô tô của Trung Quốc sẽ tham gia triển lãm, tìm kiếm khách hàng, cơ hội kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Không chỉ đến để bán hàng, theo ông Calvin Lau, các doanh nghiệp này cũng muốn xây dựng chuỗi cung ứng, tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Cũng theo ông Calvin Lau, với quy mô và tầm ảnh hưởng quốc tế, triển lãm góp phần xây dựng câu chuyện “nội địa hóa” cũng như mục tiêu của Chính phủ đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Đánh giá thêm, ông Calivin nhìn nhận ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn còn non trẻ về mặt thị trường, tỉ lệ người sở hữu ô tô còn rất thấp và điều này là cơ hội cho các nhà đầu tư linh phụ kiện ô tô tham gia phát triển.
Trên thực tế, theo các số liệu thống kê cho thấy hiện tỉ lệ người sở hữu xe ô tô tại Việt Nam rất thấp chỉ đạt 23,4 xe/1.000 dân; trong khi tại Thái Lan là 262 xe/1.000 dân và tại Indonesia là 186 xe/1.000 dân,… “Triển lãm nhằm thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô tăng tỉ lệ nội địa hóa lên 40%; xúc tiến hoạt động thương mại xuất nhập khẩu từ các nhà đầu tư nước ngoài…”, ông Calvin nói.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), cho biết số lượng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang tăng nhanh, nhưng chưa nhiều ở ngành lắp ráp ô tô.
Từng hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản đi tìm các nhà cung cấp Việt Nam để tăng tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm cho nhà đầu tư nước ngoài, bà Hạnh cho biết sau 14 năm, những đợt xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đều liên quan đến các linh kiện gia công chính xác. Có khoảng 500 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ xuất hiện trong cẩm nang của nhà đầu tư Nhật Bản.
Đây là con số thực chiến và có tương tác thực sự nhưng xét chung thì chỉ khoảng 300 doanh nghiệp Việt tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô.
Người đại diện VASI cho rằng phần lớn các doanh nghiệp đều có ý thức thực hiện đúng yêu cầu về năng lực kỹ thuật, nhân sự và khả năng giao hàng đúng hẹn. Từ trước đến nay, các doanh nghiệp nội địa chủ yếu tham gia vào chuỗi sản xuất xe máy và đồ gia dụng với các ngành nhựa, khuôn và cơ khí. “Để tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp ô tô thì vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa”, bà Hạnh lưu ý.
Theo đánh giá Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những quốc gia thành viên ASEAN đầu tiên đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và sản xuất xe điện ngày càng tăng. Điều này cũng giải thích tại sao tại Automechanika TPHCM 2023 sẽ có cả khu vực dành riêng cho xe điện (Auto EV) được tổ chức để tập hợp các nhà triển lãm trong và ngoài nước, tạo ra một nền tảng để quảng bá các giải pháp và công nghệ mới nhất trong khu vực.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo lượng mua sẽ đạt một triệu vào năm 2028, đạt 3,5 triệu vào năm 2040.
3. Tỷ giá USD ngày 14/6: Đồng loạt tăng trong nước
Chỉ số Đô la Mỹ, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác hiện ở mức 103,56 theo ghi nhận lúc 7h (giờ Việt Nam). Tỷ giá euro so với USD giảm 0,05% ở mức 1,0791. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,05% ở mức 1,2608. Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,13% ở mức 140,03.
Trong nước, tỷ giá trung tâm hôm nay (14/6) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.700 VND/USD, tăng trở lại 1 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.515 - 24.885 VND/USD.
Tỷ giá USD trong nước sáng nay ghi nhận thêm hàng loạt điều chỉnh tăng giá tại các ngân hàng. Đáng kể nhất là Vietcombank (HM:VCB) với 20 đồng còn khiêm tốn hơn cả là Techcombank (HM:TCB) với 8 đồng nâng tỷ giá ở cả hai chiều mua bán so với mức niêm yết cùng giờ hôm qua.
Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 23.254 – 23.356 VND/USD còn giá bán ra duy trì trong phạm vi 23.656 - 23.703 VND/USD. Trong đó, BIDV (HM:BID) vừa có giá mua USD cao nhất vừa có giá bán USD thấp nhất.
Trên thị trường "chợ đen", khảo sát lúc 9h sáng nay cho thấy đồng USD hiện được giao dịch ở mức 23.450 - 23.520 VND/USD, giá mua không đổi còn giá bán tăng 20 đồng so với mức ghi nhận cùng giờ sáng qua.