Vietstock - Năm đón 'sóng' chuyển dịch đầu tư của Việt Nam
Việt Nam chứng kiến tín hiệu lạc quan về sóng chuyển dịch đầu tư trong năm 2020, nhưng nắm bắt cơ hội đó đến đâu sẽ còn là vấn đề.
Cuối tháng 11, Reuters dẫn nguồn tin cho biết Apple (NASDAQ:AAPL) đã yêu cầu Foxconn chuyển một số hoạt động lắp ráp iPad và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam. Dây chuyền đang được xây dựng tại nhà máy của Foxconn ở Bắc Giang và dự kiến đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2021.
Trước đó, Pegatron - một trong 5 đối tác sản xuất linh kiện của Apple, Microsoft (NASDAQ:MSFT), Sony đã có dự định rót 1 tỷ USD vào 3 dự án tại khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng).
Những động thái này tiếp nối nhiều thông tin triển vọng về làn sóng chuyển dịch đầu tư đến Việt Nam suốt năm qua. Hồi tháng 7, Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) Hà Nội xác nhận, 15 trên 30 doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí đa dạng chuỗi cung ứng sang ASEAN, đã chọn Việt Nam là điểm đến.
Báo cáo nửa đầu năm của Bộ Công Thương cũng ghi nhận một số tập đoàn công nghệ lớn thế giới đang lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất, đầu tư sang Việt Nam. Vài tên tuổi được nhắc tới ngoài Foxconn còn có LG, Panasonic...
Thực tế, từ hồi tháng 5, Panasonic đã thông báo sẽ đóng nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng ở Bangkok (Thái Lan) để hợp nhất với nhà máy ở Việt Nam. Nikkei từng đưa tin, Google (NASDAQ:GOOGL), Microsoft cùng nhiều tập đoàn khác đã có những động thái thiết lập hoạt động tại Việt Nam, nhằm khai thác thế mạnh về môi trường đầu tư của thị trường này.
"Sóng" chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam nổi lên trong năm 2020 bởi đây là thời điểm hội tụ nhiều yếu tố tác động bên ngoài lẫn bên trong. Về điều kiện bên ngoài, Covid-19 ập đến khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bộc lộ nhiều điểm yếu, khi quá phụ thuộc vài một số nơi sản xuất nhất định, nhất là Trung Quốc. Điều này khiến một số doanh nghiệp toàn cầu phải nghĩ lại về phân bổ sản xuất. Thậm chí, là ở cấp độ chính phủ như Mỹ hay Nhật Bản.
Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần kêu gọi doanh nghiệp nước nhà hồi hương, Nhật Bản chọn con đường tài trợ cho các doanh nghiệp mở rộng chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc.
Sản xuất bên trong nhà máy của Daikin Việt Nam tại Hưng Yên. Ảnh: Daikin.
|
Tại cuộc hội kiến của Chủ tịch cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) Kitaoka Shinich với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội hôm 10/12, ông Kitaoka đánh giá rằng chuỗi cung ứng đứng trước đòi hỏi phải được tái cấu trúc do những thay đổi về địa chính trị chính là cơ hội tốt cho sự phát triển hơn nữa của Việt Nam.
Một điểm khác là mối quan hệ kinh tế và địa chính trị Mỹ - Trung. Từ 2019, một số doanh nghiệp có cơ sở sản xuất ở Trung Quốc đã phải nghĩ đến vấn đề chuyển dịch hoặc mở rộng chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á, Nam Á để né thuế quan mà ông Trump áp đặt lên hàng "Made in China".
Thậm chí, sau khi hai nước này ký Hiệp định thương mại giai đoạn 1 vào tháng 1/2020, xu hướng vẫn tiếp diễn khi thỏa thuận này vẫn duy trì mức thuế 25% với số hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc. Mức thuế mà Trump đã xác lập này, thậm chí có thể vẫn duy trì dưới thời Tân Tổng thống Joe Biden.
Đầu tháng 12, ông Joe Biden khẳng định "sẽ không thực hiện bất kỳ động thái nào ngay lập tức" về việc tháo dỡ thuế quan cho Trung Quốc. Thay vào đó, tờ Times cho hay, ông Biden sẽ ưu tiên xem xét lại tổng quan thỏa thuận giai đoạn một và tham khảo ý kiến với các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Á và châu Âu để "có thể phát triển một chiến lược chặt chẽ".
Khi điều kiện bên ngoài khiến nhiều nhà sản xuất phải tìm thêm địa điểm sản xuất mới, "phong độ" của Việt Nam đã tạo ra sức hút đáng kể. "Với nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc và khả năng đẩy lùi dịch bệnh, không khó để thấy Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư sáng giá trong khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử - công nghệ", Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, nhận định trong bài viết mới đây.
Cũng theo vị CEO (HN:CEO) này, một điểm sáng cho kinh tế Việt Nam năm 2020 là sự kiên định trong việc theo đuổi chính sách hội nhập, thể hiện ở việc ký kết Biên bản kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam Anh quốc (UKVFTA) vào ngày 11/12/2020, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8 và việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 11.
Đến nay, Việt Nam đã ký kết thành công 14 hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương. Chính sự mở rộng và đa dạng hóa hội nhập cũng khiến Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn nước ngoài, giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có tính cạnh tranh cao hơn, theo CEO HSBC.
Trong khi đó, tại một hội thảo trực tuyến hôm 8/12, ông Matthieu Francois, Đối tác liên kết của McKinsey & Company Vietnam đánh giá, với việc dần chuyển đổi nền kinh tế thành một hệ sinh thái kết hợp thúc đẩy hướng tới Công nghiệp 4.0 và các công ty đang nỗ lực để tái hiện những trải nghiệm của người tiêu dùng, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nổi bật cho các doanh nghiệp quốc tế.
Nhưng "sóng" chỉ mới là tín hiệu và chưa rõ nó sẽ lớn đến đâu. Trong khi một số nhà cung ứng mặt bằng công nghiệp như DEEP C hay BW Industrial bận bịu tiếp đón lượng khách hàng thuê nhà xưởng tăng vọt, số liệu thu hút vốn FDI chưa có tín hiệu vượt bậc.
Nhà xưởng xây sẵn của BW Industrial tại Bình Dương. Ảnh: WSJ.
|
Số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến 20/11/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,43 tỷ USD. Trong đó, vốn FDI đăng ký mới đạt 13,6 tỷ USD, giảm 14,8% so với cùng kỳ. Nhưng điểm sáng là công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực hút vốn ngoại lớn nhất, với 12,7 tỷ USD đầu tư, chiếm 48,2% tổng vốn đăng ký.
Trung tuần tháng 10, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN đánh giá, không một công ty đa quốc gia hay công ty Mỹ nào muốn rời Trung Quốc, dù là do thương chiến hay Covid-19. Họ chỉ mở rộng ngoài Trung Quốc để tránh thuế Mỹ, gọi là chiến lược Trung Quốc+1. Mục đích của những doanh nghiệp mở rộng thêm địa điểm sản xuất ngoài Trung Quốc là để phục vụ các thị trường ngoài Mỹ.
Trong một bài phân tích gần đây, Wall Stress Journal đúc kết đánh giá của một số chuyên gia và doanh nghiệp về những điểm yếu khi chọn Việt Nam. "Việc hình thành các cụm công nghiệp mới sẽ không diễn ra trong một sớm một chiều. Việt Nam cung cấp lao động giá rẻ, nhưng dân số 100 triệu người của họ là nhỏ so với 1,3 tỷ người của Trung Quốc, các tuyến đường và cảng của nước này bị tắc nghẽn", tờ báo viết về năng lực chuỗi cung ứng tại chỗ ở Việt Nam cũng còn hạn chế.
Do vậy, có một số việc phải làm để "sóng" chuyển dịch đầu tư từ triển vọng trở thành sự thật. Trong một phân tích gần đây của nhóm chuyên gia McKinsey, Việt Nam nên đầu tư vào giáo dục, cơ sở hạ tầng để nâng cao năng suất. Điều này sẽ giúp đất nước thực sự là điểm hấp dẫn, góp phần vào tăng trưởng dài hạn.
Về giáo dục, Việt Nam có thể khai thác những thế mạnh sẵn có. Theo nghiên cứu của McKinsey năm 2017, Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á có thành tích học tập cao. "Đầu tư cho giáo dục trong phạm vi các sáng kiến tăng năng suất có thể nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, vốn dĩ bị tụt hậu so với các quốc gia ngang hàng trong khu vực và không mấy cải thiện mặc dù tăng trưởng kinh tế tích cực", nhóm chuyên gia McKinsey khuyến nghị.
Lực lượng lao động có trình độ cao hơn có thể là yếu tố hấp dẫn đối với các nhà sản xuất đang muốn khám phá các công nghệ Công nghiệp 4.0, giúp Việt Nam vươn lên trong chuỗi giá trị, tiến sang các lĩnh vực có năng suất và thu nhập cao hơn.
Về cơ sở hạ tầng, McKinsey cho rằng có thể đầu tư vào tái phát triển cơ sở hạ tầng. Các cảng đang hoạt động ở mức quá tải. TP HCM (HM:HCM) và Hà Nội sẽ cần những khoản đầu tư đáng kể để xây dựng đường sá và sân bay.
"Tuy nhiên, nợ công chiếm khoảng 60% GDP - so với 52% ở Malaysia, 40% ở Philippines và khoảng 30% ở Indonesia - là rào cản tiềm năng đối với việc tái phát triển. Khung hợp tác công – tư đã được đơn giản hóa vào năm 2020, nhưng cần tiếp tục nỗ lực triển khai để thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng", nhóm chuyên gia lưu ý về thách thức.
Viễn Thông