Black Friday đã tới! InvestingPro giảm tới 60% OFF! Đừng bỏ lỡ!NHẬN ƯU ĐÃI

"Ám ảnh" nhập siêu quay trở lại

Ngày đăng 16:58 02/06/2021
"Ám ảnh" nhập siêu quay trở lại

Vietstock - "Ám ảnh" nhập siêu quay trở lại

Sau nhiều năm liên tục xuất siêu, 5 tháng đầu năm 2021, nhập siêu đã quay trở lại. Dù con số 369 triệu USD chưa phải là lớn nhưng xuất khẩu quá phụ thuộc vào FDI trong khi nhập siêu lại là những mặt hàng không có tác động thúc đẩy sản xuất...

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 đạt 262,25 tỷ USD...

Bị ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng thứ tư của dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 vẫn tiếp tục được ghi nhận là điểm sáng của nền kinh tế...

Nhưng thành tích này vẫn thuộc về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Và lo ngại hơn, sau nhiều năm xuất siêu liên tục, Việt Nam đang quay trở lại với nhập siêu 369 triệu USD sau 5 tháng.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 đạt 262,25 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7%; nhập khẩu đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4%. Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao hơn kim ngạch xuất khẩu khiến cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm nhập siêu 369 triệu USD.

“ÁM ẢNH NHẬP SIÊU”

Cụ thể về xuất khẩu, trong tổng kim ngạch 130,94 tỷ USD, khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt 33,06 tỷ USD, tăng 16,6%, chiếm 25,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài - FDI (kể cả dầu thô) đạt tới 97,88 tỷ USD, tăng 36,3%, chiếm 74,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Về nhập khẩu, trong tổng kim ngạch 131,31 tỷ USD, khu vực FDI đạt 85,51 tỷ USD, tăng 39,9%, còn khu vực kinh tế trong nước đạt 45,8 tỷ USD, tăng 30,2%.

Như vậy, sau nhiều năm liên tục xuất siêu, 5 tháng đầu năm 2021, nhập siêu đã quay trở lại, mặc dù con số 369 triệu USD chưa phải là lớn, song cũng để lại không ít “lo âu”. Bên cạnh con số nhập siêu còn có lý do từ việc các doanh nghiệp trong nước hoạt động chưa hiệu quả.

Cụ thể 5 tháng qua, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu tới 12,74 tỷ USD, trong khi đó, khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,37 tỷ USD. Điều này có nghĩa xuất siêu đang phụ thuộc hoàn toàn vào khu vực FDI và chỉ cần khu vực này chững lại, nền kinh tế sẽ quay lại tình trạng nhập siêu.

Minh chứng rõ nét nhất là khi làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong tháng 4/2021 khiến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp, nhất là tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất và xuất khẩu. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 19,04 tỷ USD, giảm 2,4% so với tháng trước.

Tiếp đến, nếu như nhập siêu xuất phát từ hoạt động nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu thì không có gì phải lo ngại vì nó sẽ tạo tiền đề cho sản xuất và sẽ thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn trong các chu kỳ sau. Thế nhưng nhập siêu trong 5 tháng đầu năm 2021 lại là hàng tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ thì rất đáng bàn, bởi nó chẳng những không có tác dụng thúc đẩy mà ngược lại còn có thể gây nhiều ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Đơn cử như ô tô, số liệu thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2021 ô tô nhập khẩu đạt 3,6 tỷ USD, tăng tới 69,9% so với cùng kỳ năm trước. Về nhóm hàng tiêu dùng, trong 5 tháng qua cũng nhập khẩu tới 8,16 tỷ USD, tăng 29,5% và chiếm 6,2% (giảm 0,3 điểm phần trăm) trong tổng kim ngạch nhập khẩu.

Hay như việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản cũng là vấn đề cần được quan tâm. Sở dĩ như vậy là bởi Việt Nam là một nước nông nghiệp và trong khi các mặt hàng nông sản đang cố gắng để tìm đường xuất khẩu nhằm cải thiện thu nhập cho nông dân và mang thêm ngoại tệ về cho đất nước, thì tại “sân nhà” nông sản nhập khẩu vẫn đang cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng nông sản trong nước.

NHẬP SIÊU CẢ NÔNG SẢN

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng chiều tăng với kim ngạch xuất khẩu, 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản đạt 19,57 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 7,04 tỷ USD, tăng 126,9%; nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt 1,52 tỷ USD, tăng 23,2%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 881,2 triệu USD, tăng 25,8%; nhóm lâm sản chính khoảng 1,34 tỷ USD, tăng 42,3%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 2,9 tỷ USD, tăng 36,5%.

Một mặt hàng chủ lực của nông sản là hạt điều, nhiều năm nay vẫn “tự hào” với xuất siêu, thì nay đang đối mặt với nhập siêu khá lớn. Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2021, lượng hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp chế biến điều tăng 300% về lượng và 323,5% về trị giá so với cùng kỳ của năm 2020 với tổng cộng 1,19 triệu tấn hạt điều, với trị giá lên tới 1,88 tỷ USD.

Theo nhận định của ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, do các doanh nghiệp Việt Nam tranh mua nguyên liệu từ các quốc gia trồng điều ở châu Phi, khiến các nhà bán điều thô đẩy giá bán lên cao. Hiệp hội Điều Việt Nam dự báo, lượng hạt điều nhập khẩu trong năm 2021 gần 2 triệu tấn. Nhưng với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, con số nhập khẩu có thể cao hơn.

Ước tính chi phí nhập khẩu điều nguyên liệu trong năm 2021 có thể lên tới 3,2 - 3,5 tỷ USD và đây có thể là lần đầu tiên xảy ra kịch bản sau 16 năm đứng đầu thế giới về kim ngạch xuất khẩu, ngành chế biến điều của Việt Nam không còn thặng dự thương mại và rơi vào tình thế nhập siêu trong cả năm.

NÂNG CAO KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG TRONG BỐI CẢNH MỚI

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kinh tế Việt Nam hội nhập rất sâu nên sản xuất, xuất khẩu sẽ gắn chặt với nguồn cung nguyên liệu và các thị trường xuất khẩu. Dịch bệnh bùng phát sẽ tác động đáng kể đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành trọng điểm ở khu vực miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội... (những địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu từ 10 tỷ USD trở lên) đã và đang tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

Có thể nói, trong bối cảnh thế giới vẫn đang ở trong tình trạng chịu tác động rất nặng nề của dịch bệnh Covid-19, cùng những hệ quả khác từ dịch bệnh như vấn đề thiếu container rỗng, hay việc tăng giá cước tàu biển... hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam từ đầu năm đến nay vẫn liên tục ghi nhận những kết quả tích cực và có sự phát triển khá bền vững dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, nông sản... và ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN...

Dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh... sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: gạo, cà phê, chè, cao su, hạt tiêu... sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu hiện vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản như: Việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm... Do đó, bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.

Để góp phần đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2021 tăng khoảng 6,5%, ngành công thương phấn đấu đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 tăng khoảng 4-5% so với năm 2020, tiếp tục duy trì đà xuất siêu.

Để làm được điều đó, một trong những giải pháp ưu tiên được lựa chọn là sẽ tận dụng tốt hơn các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là hai hiệp định là Hiệp định  Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu, tạo nền tảng vững chắc cho việc doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng cũng như tạo lực đẩy cho xuất khẩu bền vững trong năm 2021.

Huyền Vy

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.