Vietstock - Vừa mừng vừa lo trước hiện tượng… tiền nhiều
Trong giai đoạn chính sách tiền tệ nới lỏng, một hiện tượng song hành khác là nền kinh tế đang có dòng tiền khá lớn đổ vào các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, bất động sản… Điều này cũng đặt ra những mối quan tâm khác nhau, thể hiện ở cả góc nhìn tích cực về tín hiệu phục hồi kinh tế lẫn những cảnh báo về yêu cầu đặt ra trong kiểm soát dòng vốn.
Dòng tiền mạnh mẽ
Tín hiệu có thể thấy rõ nhất là dòng tiền chảy mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán khi chỉ số chứng khoán chinh phục các đỉnh mới cùng với các kỷ lục thanh khoản. VN-Index trong những phiên giao dịch giữa tháng 11 liên tục lập các kỷ lục mới và đang tiến dần đến mốc 1.500 điểm. Trong 10 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư cá nhân đã mở mới tới hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán, cao hơn cả 4 năm trước đó, từ năm 2017 - 2020 cộng lại.
Cũng không kém phần lép vế so với sàn chứng khoán, kim loại quý cũng đang thu hút dòng tiền và điều này khiến giá vàng bước vào nhịp tăng thời gian gần đây. Đến sáng 16/11, giá vàng SJC được doanh nghiệp niêm yết mua vào 60,25 triệu đồng/lượng, bán ra 60,95 triệu đồng/lượng, mặt bằng giá vàng theo đó đã tăng được khoảng 5 triệu đồng/lượng so với tháng 9/2021.
Trong khi đó với thị trường bất động sản, theo thống kê của một trang tin tức mua bán lớn về bất động sản thì trong tháng 10/2021, lượng tin đăng và mức độ quan tâm bất động sản về đất nền, chung cư ở nhiều địa phương tăng mạnh so với tháng 9, lần lượt là 135% và 55%. Căn hộ chung cư và đất nền vùng ven tăng trưởng ngay khi có thông tin nới lỏng giãn cách, diễn biến này lặp lại lịch sử của các đợt giãn cách trước đó, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, người dân bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Hiện nay, chưa có tổ chức nào đưa con số thống kê chính xác rằng dòng tiền đang tuôn chảy hiện tại trên các kênh tài sản đến từ đâu, nhưng cũng có một số phán đoán cho rằng, chính sách tiền tệ nới lỏng có thể là một nguyên nhân khiến cho nền kinh tế đang có rất nhiều tiền.
Ngân hàng Nhà nước thời gian qua vẫn tiếp tục chỉ đạo các tổ chức mở rộng, đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng.
Vừa mừng vừa lo
Mặc dù nhìn bề ngoài có thể manh nha một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang có vẻ hơi quá… nhiều tiền, tuy nhiên rủi ro lạm phát vẫn chưa xuất hiện, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại. Tính đến hết tháng 10, lạm phát mới chỉ tăng 1,81% và theo đó, trước mắt ít nhất đến hết năm 2021, khả năng chỉ tiêu lạm phát dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đặt ra là có thể đạt được.
Đánh giá về diễn biến dòng tiền, PGS (HN:PGS).TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng là cần thiết trong giai đoạn hiện nay để hỗ trợ nền kinh tế trong và sau giai đoạn khó khăn do dịch bệnh. Theo đó, dòng tiền nếu được điều hướng đúng sẽ phát huy hiệu quả tốt thúc đẩy kinh tế.
Riêng với thị trường chứng khoán, ông Long cho rằng cần có sự phân định rõ ràng để đánh giá. Dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán ở mức độ hợp lý và được các doanh nghiệp hấp thụ có hiệu quả để phục vụ đầu tư kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, cũng cần cảnh giác để dòng vốn không đổ vào những doanh nghiệp yếu kém hoặc hút sang đầu cơ bất động sản.
Lạm phát đến thời điểm này tuy chưa xuất hiện, nhưng một số chuyên gia cũng đã đưa ra cảnh báo về sức ép lạm phát trong giai đoạn bước sang năm 2022, khi giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới có xu hướng gia tăng (ví dụ giá xăng dầu trong tháng 9/2021 đã tăng 55,2% so với cuối năm trước…). Nguy cơ nhập khẩu lạm phát cũng có thể xảy ra do một số nước lớn cũng đang xuất hiện, ví dụ lạm phát ở Mỹ đã tăng 5,3% trong tháng 9 vừa qua, cao nhất trong lịch sử. Việt Nam là nước có độ mở kinh tế lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP là 200% nên việc ảnh hưởng từ thị trường quốc tế hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian tới.
Do đó, yêu cầu đặt ra hiện nay là việc kiểm soát dòng tiền đi đúng hướng, phục vụ đúng cho mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế. Ở góc độ kiểm soát chất lượng tín dụng, trong nội dung trao đổi tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất, nhưng vẫn phải đảm bảo tỷ lệ an toàn của từng tổ chức tín dụng cũng như toàn hệ thống, để tránh những tác động lan truyền.
Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy kinh tế Từ năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đến nay, mặt bằng lãi suất vay giảm khoảng 1,66%/năm so với trước dịch. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước thời gian qua cũng đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ...; tạo khuôn khổ pháp lý để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. |
Chí Tín