Cục Xuất nhập khẩu nhận định, hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ yếu của những thị trường lớn. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 3 đạt 1,1 tỷ USD, giảm 27% so với tháng 3/2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 773 triệu USD, giảm 34%.
Tính chung quý 1, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,8 tỷ USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,8 tỷ USD, giảm 40%.
Dù giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Nhật Bản và Trung Quốc đều tăng trong quý 1, nhưng giá trị xuất khẩu sang thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ lại giảm mạnh, khiến trị giá xuất khẩu chung của ngành gỗ giảm đáng kể.
Theo đó kim ngạch xuất khẩu tới Mỹ trong quý 1 đạt 1,4 tỷ USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài thị trường Mỹ, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường như Hàn Quốc, Anh, Canada, Pháp, Australia, Hà Lan… cũng giảm mạnh. Cục Xuất nhập khẩu nhận định hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ yếu của những thị trường lớn như Mỹ, các thị trường trong khối EU và sự cạnh tranh từ các thị trường.
Với thị trường Trung Quốc, việc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế của nước này sẽ tạo sự cạnh tranh cho các doanh nghiệp đồ nội thất bằng gỗ Việt Nam khi xuất khẩu các mặt hàng vào thị trường Mỹ.
Bước sang quý 2, tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp gỗ vẫn khá trầm lắng. Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với các hiệp hội lâm, thủy sản, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam nêu thực trạng các trung tâm tổ chức hội chợ quốc tế ngành gỗ của Việt Nam còn rất nhỏ bé so với các hội chợ tại khu vực Đông Nam Á, chưa nói đến quốc tế. Việt Nam không có trung tâm tổ chức triển lãm đủ lớn, có tầm quy mô khu vực.
Bên cạnh đó theo chiến lược phát triển ngành gỗ, cần thành lập các khu, cụm công nghiệp ngành gỗ, nhưng hiện nay chúng ta mới có được 1, 2 khu.
Do đó, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành chỉ đạo các địa phương quy hoạch có khu, cụm công nghiệp chuyên ngành gỗ, cũng như có không gian đủ lớn để tổ chức hội chợ ngang tầm quốc tế.
Một vấn đề khác ông Đỗ Xuân Lập đề cập trong Hội nghị là chi phí tham gia hội chợ quốc tế. Hiện nay, chi phí tham gia hội chợ quốc tế ngành gỗ rất cao, trong khi chính sách kinh phí cho các doanh nghiệp tham gia lại rất nhỏ. Do đó, ông Lập mong muốn Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế lớn, thúc đẩy xúc tiến thương mại.