Ngân hàng cạnh tranh tung loạt chính sách ưu đãi cho khách vay trả nợ ngân hàng khác, người vay hồ hởi được hưởng lợi nhưng cần lưu ý hàng loạt khoản chi phí phát sinh. Tài chính Ngân hàngVay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác: quả táo ngọt của "mụ phù thủy"?Linh Nhi • 06/09/2023 10:57Ngân hàng cạnh tranh tung loạt chính sách ưu đãi cho khách vay trả nợ ngân hàng khác, người vay hồ hởi được hưởng lợi nhưng cần lưu ý hàng loạt khoản chi phí phát sinh.
Theo Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước, từ 1/9 mở rộng cá nhân vay mua nhà, mua xe được vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác bên cạnh doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Theo đó, lãi suất ngân hàng buộc phải hấp dẫn để cạnh tranh nhau nếu muốn hút khách hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Ngân hàng đua nhau cho khách vay trả nợ ngân hàng khác
Theo đó, gần đây, đã có một số "ông lớn" ngân hàng công bố triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn với lãi suất thấp để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank (HM:VCB), mã chứng khoán: VCB) là ngân hàng đầu tiên công bố chính sách cho vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác. Lãi suất cho vay chỉ từ 6,9%/năm.
Khách hàng có thể được vay vốn với thời gian vay lên đến 30 năm (nhưng không vượt quá thời hạn vay còn lại của khoản vay tại ngân hàng đang vay) với số tiền cho vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc của khoản vay tại ngân hàng đang vay. Khách hàng được ân hạn trả nợ gốc tối đa lên đến 24 tháng và phù hợp với quy định của Vietcombank.
Ở thời điểm hiện tại, Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu. Vietcombank sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế.
Đối với khoản vay ngắn hạn dưới 12 tháng lãi suất chỉ từ 6%/năm hoặc chỉ từ 6,8%/năm đối với các khoản vay trung dài hạn từ 12 tháng trở lên. BIDV cam kết mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại và phù hợp chi phí thanh toán tiếp theo của phương án vay đối với khoản vay tại ngân hàng khác.
Thời gian ân hạn gốc lên đến 24 tháng và không vượt quá thời gian ân hạn trả nợ gốc còn lại của khoản vay, thời hạn vay đến 30 năm và không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay tại ngân hàng khác giúp giảm áp lực trả nợ…
Trong khi đó, một số ngân hàng khác cho biết đang triển khai chính sách này và chưa có thông tin cụ thể. Theo ghi nhận, một số khách hàng đang có khoản vay tiêu dùng, vay mua nhà, đã bắt đầu liên hệ với ngân hàng thương mại nơi vay vốn để hỏi về triển khai chính sách mới.
Ngân hàng cạnh tranh, người dân có được lợi về lãi suất?
Theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, Thông tư 06 cho vay để trả nợ ngân hàng khác đối với cá nhân tạo sẽ thuận lợi cho việc đảo nợ. Trước đây, nếu muốn đảo khoản nợ giữa các ngân hàng, khách hàng phải sử dụng một tài sản khác để thế chấp vay từ ngân hàng này, trước khi trả nợ và rút tài sản đảm bảo ở khoản vay cũ.
Với quy định mới, khách hàng tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, có thêm cơ hội chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các ngân hàng khác (nếu có). Ý nghĩa của sự nới lỏng này là cho phép lựa chọn ngân hàng có lãi vay tốt hơn còn thời hạn trả khoản vay vẫn không đổi. “Những quy định mới hiện có thể chưa đáp ứng kỳ vọng của số đông, nhưng ít nhất khách hàng cá nhân đã có thêm lựa chọn để tự quyết định”, ông Độ nói.
Chưa kể, quy định này còn tác động tích cực, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng với nhau. Các ngân hàng phải cân đối làm sao để giữ được khách hàng của mình thông qua việc đưa ra một lãi suất phù hợp. Khi đó, nếu tổ chức tín dụng nào cạnh tranh tốt, các điều kiện tín dụng thuận lợi thì có thể người vay vốn sẽ tới đó nhiều hơn.
Lưu ý hàng loạt khoản chi phí phát sinh
Thực tế, khách hàng được lợi khá nhiều khi ngân hàng tung các gói ch vay đầy hấp dẫn kể trên. Tuy nhiên, khách hàng đừng vội mừng! Đó có thể là "miếng táo ngọt" đầy hấp dẫn nhưng người sử dụng sẽ gặp không ít rắc rối nếu không tính toán kỹ lưỡng.
Dưới góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Hưng – Tổng Giám đốc TPBank chia sẻ, người đi vay sẽ được lợi hơn khi thị trường lãi suất cạnh tranh bởi các quy định của Thông tư 06 có hiệu lực. "Thị trường tài chính tiêu dùng lãi suất sẽ dễ chịu hơn, hay nói cách khác muốn giữ được khách, ngân hàng phải có lãi suất phù hợp với cung cầu thị trường tại từng thời điểm", ông Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, các khoản vay ưu đãi thường lãi suất thấp trong một khoảng thời gian nhất định và thả nổi vào thời kỳ sau. Trong thời kỳ ưu đãi lãi suất cho khách hàng, ông Hưng cho biết các ngân hàng phải "gánh" lỗ. Do đó, trong hợp đồng tín dụng luôn luôn có điều khoản về phí trả nợ trước hạn để bù đắp cho khoản lỗ đó trong trường hợp khách hàng không giữ cam kết và "phá" hợp đồng trước thời hạn.
"Lúc đó khách hàng phải cân nhắc rằng, phí trả nợ trước hạn đó cộng với ưu đãi mình nhận trong tương lai khi vay mới tại ngân hàng khác để trả nợ trước hạn có đủ lớn, đủ tốt hoặc lợi hơn so với việc duy trì hợp đồng hiện tại hay không. Ngoài ra còn có những vấn đề khác phát sinh chẳng hạn như phải đi công chứng giải chấp, thế chấp lại, đăng ký giao dịch đảm bảo,… có khi mất thời gian và liệu những công sức và khoản tiền bỏ thêm có bù được khi lãi suất giảm xuống", ông Hưng lưu ý.
Một số lãnh đạo ngân hàng khác cũng tỏ ra lo ngại tính "thực tiễn" của quy định khách hàng được vay ngân hàng này để trả nợ cho ngân hàng khác. "Không loại trừ cả trường hợp các ngân hàng sẽ nâng mức phí phạt trả nợ trước hạn để hạn chế khách hàng chuyển sang ngân hàng khác để vay vốn", vị lãnh đạo ngân hàng này nói thêm.