Vietstock - Lao dốc hơn 10%, dầu WTI có phiên giảm mạnh nhất trong 5 năm
Các hợp đồng dầu thô tương lai ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2014 vào ngày thứ Sáu (06/03), khi thỏa thuận giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, dẫn đầu là Nga, đã thất bại ở Vienna, MarketWatch đưa tin.
“Liên minh OPEC+ cuối cùng đã kết thúc (ít nhất ở hiện tại) với việc Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak, nói các nhà sản xuất có thể tự do sản xuất theo ý muốn từ ngày 01/04/2020”, Marshall Steeves, Chuyên gia phân tích thị trường năng lượng tại IHS Markit, chia sẻ. Thỏa thuận hiện tại của OPEC+ sẽ hết hạn vào cuối tháng 03/2020.
Sau các cuộc thảo luận vào ngày thứ Sáu, OPEC+ cho hay họ sẽ tiếp tục tham vấn để ổn định thị trường dầu mỏ, nhưng không đưa ra nhận định nào về việc cắt giảm sản lượng, Financial Times đưa tin.
“Rõ ràng, cách tiếp cận của Nga là cho phép giá dầu giảm đến mức các nhà sản xuất đá phiến bị vắt kiệt”, ông Steeves nhận định. “Đã có nhiều vụ phá sản trong mảng sản xuất dầu đá phiến và những ông lớn như Exxon đã thông báo giảm lãi”.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4 trên sàn Nymex sụt 4.62 USD (tương đương 10.1%) xuống 41.28 USD/thùng, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 28/11/2014. Hợp đồng này đã đóng cửa tại mức thấp nhất kể từ tháng 08/2016, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 5 trên sàn Luân Đôn mất 4.72 USD (tương đương 9.4%) còn 45.7 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 22/06/2017.
Tuần qua, dầu WTI giảm 7.8%, trong khi dầu Brent sụt 8.9%, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
“Tại thời điểm này, rất khó để xác định mức sàn của dầu ở đâu”, Lukman Otunuga, Chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại FXTM, nhận định. “Sự kết hợp khủng khiếp của sự suy giảm nhu cầu và sự gia tăng sản lượng dầu đá phiến rất có thể sẽ gây ra nhiều khó khăn cho dầu, vốn đã “bốc hơi” gần 30% từ đầu năm 2020”.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu nội địa đã đạt mức kỷ lục mới 13.1 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 28/02/2020.
Thông tin Nga từ chối cùng thực hiện kế hoạch của OPEC không gây ngạc nhiên. Các báo cáo tin tức trước đó cho biết Nga, vốn không là thành viên OPEC, đã kháng cự lời kêu gọi của Tổ chức này về việc cắt giảm thêm sản lượng đến cuối năm nay.
Sự bế tắc xuất hiện sau khi các bộ trưởng OPEC vào ngày thứ Năm (05/03) đã đồng ý lời kêu gọi cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày, trong khi các đồng minh OPEC, dẫn đầu bởi Nga, sẽ cắt giảm sản lượng thêm 500,000 thùng/ngày.
Giá dầu cũng chịu ảnh hưởng khi các nhà đầu tư trên khắp thế giới tiếp tục rút khỏi chứng khoán, các hàng hóa và các tài sản khác được xem là rủi ro để đổ vào các tài sản trú ẩn an toàn truyền thống do lo ngại về sự lây lan dịch COVID-19.
Giá dầu đã nhanh chóng xóa bớt đà suy giảm vào sáng ngày thứ Sáu sau báo cáo việc làm tháng 02 tốt hơn dự báo. Theo đó, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 273,000 việc làm mới trong tháng 02/2020, cao hơn rất nhiều so với dự báo tăng 165,000 việc làm từ cuộc thăm dò của MarketWatch.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 4 lao dốc 8.7% xuống 1.3890 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 4 sụt 6.9% xuống 1.3852 USD/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 4 mất 3.6% còn 1.708 USD/MMBtu.
An Trần